“Ma men” thông chốt, đâm bị thương cảnh sát sẽ bị xử lý tội danh gì?

Tài xế có hành vi chống người thi hành công vụ và có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của đối tượng có thể bị xử lý bởi một trong các tội danh…
Đối tượng Vũ Mạnh Dũng sau khi bị CSGT khống chế (Ảnh: CQCA cung cấp)
Đối tượng Vũ Mạnh Dũng sau khi bị CSGT khống chế. Ảnh: CQCA cung cấp

Vào khoảng 20h30 ngày 3/1, tại Km151+500 Quốc lộ 18, thuộc tổ 4, khu Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, Tổ công tác số 13 - Đội CSGT Đường bộ số 2, Phòng CSGT tỉnh Quảng Ninh dừng phương tiện để kiểm soát, kiểm tra xử lý theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Khoảng 21h20 cùng ngày, Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe, yêu cầu người điều khiển mô tô BKS 14U1 - 561.40 chấp hành. Nam thanh niên này không đội mũ bảo hiểm đi vào làn kiểm tra dành cho xe mô tô và không chấp hành yêu cầu, cố tình tăng ga, lạng lách vào làn xe đang lưu thông bình thường rồi đâm vào đồng chí Đỗ Thái Bảo - Phó Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 2, khiến đồng chí Bảo bị ngã, xây xát, chảy máu ở cằm.

Không dừng lại, nam thanh niên tiếp tục tăng ga về phía trước nhưng bị Tổ công tác khống chế, tiến hành đo nồng độ cồn. Kết quả đo được là 0,150mg/lít khí thở.

Tại thời điểm kiểm tra, nam thanh niên xuất trình căn cước công dân mang tên Vũ Mạnh Dũng, SN 1984, trú tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả; giấy đăng ký xe mô tô và giấy phép lái xe hạng E, có giá trị đến năm 2028.

Ngoài ra, Tổ công tác còn thu giữ tại túi quần trước bên trái của nam thanh niên 1 túi vải màu đen bên trong có 2 dao kim loại màu bạc, dạng dao gấp dài kích thước lần lượt khoảng 23cm và 13cm, lưỡi dao có in chữ nước ngoài.

Sau khi tiến hành lấy mẫu nước tiểu kiểm tra ma túy bằng que test, phát hiện thanh niên trên dương tính với ma túy đá (MDA). Tổ công tác đã tiến hành tạm giữ giấy tờ, tài liệu và tang vật, đồng thời bàn giao cho Công an TP Cẩm Phả xử lý theo quy định.

Vụ việc khiến dư luận quan tâm và đặt câu hỏi: “Tài xế đâm xe vào CSGT đối diện với những hình phạt như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã là hành vi vi phạm pháp luật.

Thêm vào đó, tài xế còn có hành vi điểu khiển phương tiện đâm trọng thương một chiến sĩ CSGT có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330, BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).

Cụ thể, Điều 330 Bộ luật này quy định: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác; cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...”.

“Như vậy, hành vi cố tình tăng ga, rồi đâm vào tổ công tác đang làm nhiệm vụ làm một chiến sĩ bị thương được coi là hành vi đã dùng vũ lực để làm cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ” - luật sư Thái nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Thái, hành vi trên còn có thể bị áp dụng đối với tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134, BLHS năm 2015.

Cụ thể, dấu hiệu của tội phạm này như sau: Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi trái pháp luật; tác động đến thân thể của người khác; hậu quả gây ra bởi hành vi là nguy hiểm cho xã hội, để lại thương tích cho nạn nhân gây suy giảm sức khỏe cho họ được thể hiện ở tỷ lệ thương tật (tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân. Đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên hậu quả là dấu hiệu chính của định tội. Hậu quả xảy ra gây thiệt hại về sức khỏe của người bị xâm hại, làm cho nạn nhân bị tổn hại cơ thể với mức tổn thương là từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thỏa mãn một trong các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134, BLHS năm 2015.

“Như vậy, có thể thấy đối với hành vi trên thì tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ” với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và phạt tù cao nhất là 7 năm tù giam hoặc tội "Cố ý gây thương tích” với mức phạt tù thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và cao nhất là chung thân” - luật sư Thái đánh giá.

Bên cạnh đó, luật sư Thái cũng phân tích, với chế tài được đưa ra, tài xế còn phải bồi thường thiệt hại cho chiến sĩ CSGT. Mức bồi thường sẽ bao gồm bồi thường về vật chất và bồi thường về tinh thần, mức bồi thường về tinh thần do các bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường về tinh thần sẽ là không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Vụ lao ô tô đâm CSGT: Lái xe có bị khởi tố về tội giết người?
Dùng dao đâm CSGT đang làm nhiệm vụ, bị cáo lĩnh án 10 năm tù
Lý do tài xế vi phạm nồng độ cồn dùng dao đâm CSGT trọng thương

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.