Quận Ba Đình: Nâng cao chất lượng các vụ việc hòa giải ở cơ sở

Từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, đến nay công tác hòa giải trên địa bàn quận Ba Đình đã đi vào nền nếp, bài bản. Thông qua các hoạt động hòa giải ở cơ sở các quy định pháp luật đã được truyền tải trực tiếp đến người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật…
Tổ hòa giải phường Quán Thánh, Hà Nội, họp giao ban công tác hòa giải năm 2023.	Ảnh:T.L
Tổ hòa giải phường Quán Thánh, Hà Nội, họp giao ban công tác hòa giải năm 2023. Ảnh:T.L

Chủ động triển khai hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở

Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, để triển khai thi hành Luật được kịp thời, thống nhất, hiệu quả, UBND quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật; ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các phường triển khai Luật, các văn bản mới, chỉ đạo của Trung ương, TP về công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và thủ tục công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”…

Hàng năm, UBND quận chỉ đạo UBND các phường thực hiện rà soát, kiện toàn hòa giải viên, các tổ hòa giải theo quy định của Luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với hòa giải ở cơ sở.

Trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở được UBND quận triển khai bài bản, có nhiều sáng tạo, qua đó đã giúp cho cán bộ, công chức hiểu rõ được lợi ích của việc hòa giải để vận dụng linh hoạt trong việc giải quyết khiếu kiện.

Các hòa giải viên được nâng tầm vị thế, tạo thuận lợi cho các hòa giải viên khi tham gia hoạt động hòa giải, động viên họ làm tốt công tác hòa giải. Người dân cũng hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc hòa giải, từ đó chủ động, tích cực hơn khi tham gia hòa giải làm giảm bớt các khiếu kiện, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn quận.

Tỷ lệ hòa giải thành đạt 94,84%

Việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” được quan tâm thường xuyên nên các tiêu chí “5 tốt” đã được các tổ hòa giải thực hiện tốt. Hòa giải viên được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 bà liên Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, phường đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác hòa giải, thường xuyên bám sát, hướng dẫn và tham gia các hoạt động của tổ hòa giải. Công tác hòa giải ở cơ sở đã được UBND quận thường xuyên quan tâm ban hành các văn bản triển khai thực hiện và sự tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị quận và phường.

Đội ngũ hòa giải viên đều là những người có tâm huyết, nhiệt tình tham gia và thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải nên các vụ việc hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao chất lượng, tỷ lệ vụ hòa giải thành cao. Trong 10 năm, quận Ba Đình tỷ lệ hòa giải thành của quận đạt 94,84%.

Hiện nay, toàn quận có 157 tổ hòa giải, 1.120 hòa giải viên, 146 “Tổ hòa giải 5 tốt”. Trong năm 2023 quận đã hòa giải thành 88/89 vụ, đạt tỷ lệ 98%, 1 vụ đang tiến hành hòa giải.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, thời gian tới quận tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, nâng cao kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên, nhân rộng các mô hình tốt, tạo sức lan tỏa công tác hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân.

Công tác hòa giải ở quận Hoàn Kiếm nền nếp, hiệu quả
Quận Bắc Từ Liêm sáng tạo trong công tác hòa giải
Huyện Gia Lâm nâng cao chất lượng công tác hòa giải

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.