Làm giả căn cước công dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo các chuyên gia luật, hành vi sử dụng căn cước công dân (CCCD) giả, làm giả CCCD có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các loại giấy tờ bị một hội nhóm làm giả, trong đó có CCCD được lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: CACC
Các loại giấy tờ bị một hội nhóm làm giả, trong đó có CCCD được lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: CACC

Những cảnh báo

Mới đây, theo báo cáo từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm quảng cáo dịch vụ làm CCCD giả mạo. Trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, các đối tượng đã tạo lập hàng loạt trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải bài viết với nội dung quảng cáo dịch vụ nhận làm nhanh CCCD giả gắn chip phôi chuẩn 2023.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển khoản đặt cọc, sau đó chiếm đoạt và chặn mọi liên lạc. Ngoài ra, còn có trường hợp trả CCCD nhưng không giống quảng cáo, có hình dạng, mẫu mã đơn giản, dễ dàng phân biệt thật, giả bằng mắt thường.

Mục đích chính của các đối tượng là tìm kiếm nạn nhân cung cấp thông tin CCCD thật để áp dụng kỹ thuật như ghép ảnh chân dung, sử dụng công nghệ in, gắn miếng kim loại, làm giả CCCD để đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt khác.

Đầu tháng 11, CA quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) đã triệt phá một đường dây làm giả CCCD, lập tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Tính đến thời điểm bị phát hiện, nhóm đối tượng này đã làm giả thành công 40 CCCD, mỗi người hưởng lợi khoảng 60 triệu đồng.

Để phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lộ, mất thông tin cá nhân trên CCCD, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần có các biện pháp bảo mật đối với những thông tin cá nhân quan trọng.

Theo đó, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân trên CCCD, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu, không chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội hay dưới bất kỳ hình thức nào.

Đồng thời, phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Nhận định từ luật sư

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Mai - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, CCCD, chứng minh Nhân dân (CMND) là những giấy tờ tùy thân vô cùng quan trọng. Theo Luật Cư trú 2020, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, thì CCCD là một trong 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính giao dịch dân sự. Công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú.

Hành vi làm giả giấy CMND, CCCD, thẻ CAND hoặc giấy xác nhận số CMND hoặc sử dụng giấy CMND, CMND, thẻ CAND hoặc Giấy xác nhận số CMND giả sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 4 - 6 triệu đồng theo khoản 4, Điều 10, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Đồng thời, người sử dụng CCCD, CMND giả sẽ buộc phải nộp lại giấy CMND, CCCD, thẻ CAND hoặc giấy xác nhận số CMND giả đã sử dụng. Còn người làm giả sẽ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do bán các loại giấy tờ giả này.

Thậm chí, hành vi làm giả CCCD có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” hoặc tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người làm giả CCCD, CMND hoặc sử dụng CCCD, CMND giả để thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội thuộc các trường hợp: phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên, làm từ 2 - 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng, thu lợi bất chính từ 10 - 50 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm.

Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm nếu làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.

“Ngoài ra, tội này còn quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng” - theo luật sư Nguyễn Thị Mai.

Làm giả giấy tờ để bán đất nhận khoán
Người mua giấy khám sức khỏe giả cũng có thể vướng vòng lao lý
Người đàn ông ở Hải Phòng làm giả sổ đỏ lừa đảo hơn 3 tỷ đồng

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.