Ghi nhận sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại Hà Nội:

Lan tỏa hòa giải ở cơ sở tại quận Hà Đông

Qua 10 năm triển khai, được sự quan tâm của TP và Quận ủy, HĐND, UBND quận, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận Hà Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất và hiệu quả, đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.
Công an quận Hà Đông trao tặng Sổ tay an ninh cho các tổ hòa giải trên địa bàn quận.	Ảnh:TL
Công an quận Hà Đông trao tặng Sổ tay an ninh cho các tổ hòa giải trên địa bàn quận. Ảnh: TL

Tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 85%

Bà Cấn Thị Việt Hà - Chủ tịch UBND quận UBND quận Hà Đông cho biết, 10 năm qua, quận đã ban hành 42 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đến các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường và Nhân dân trên địa bàn. Toàn quận đã tổ chức được khoảng 900 hội nghị, tọa đàm, buổi lồng ghép để triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại quận, các phường và các tổ hòa giải ở cơ sở với sự tham gia của trên 15.000 lượt người là cán bộ, công chức ở quận, phường, hòa giải viên và Nhân dân.

Cùng với đó, UBND quận chỉ đạo Phòng Tư pháp biên soạn, in, cấp phát hàng triệu tờ gấp “Tìm hiểu quy định về pháp luật”; hơn 300 nghìn tài liệu pháp luật; biên soạn bộ câu hỏi tìm hiểu pháp luật tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và Cổng thông tin điện tử quận. Quận cũng đã thành lập đội thi và tham gia cuộc thi “Hòa giải viên giỏi" cấp TP, cấp Cụm thi đua Sở Tư pháp TP Hà Nội.

Đến nay, toàn quận có 251 tổ hòa giải, với 1.719 hòa giải viên. 10 năm qua, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận tiếp nhận tổng số 2.203 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh; đã hòa giải thành 1.807 vụ việc, đạt tỷ lệ 85.24% số vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Qua việc triển khai thực hiện các mô hình, công tác hòa giải ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên phong trào thi đua tại các tổ hòa giải trong xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, góp phần tạo động lực cho các hòa giải viên tích cực thực hiện công tác hòa giải nhằm đạt danh hiệu “Tổ hòa giải 5 tốt”. Các “Tổ hòa giải 5 tốt” đã chủ động, kịp thời nắm bắt và hòa giải những mân thuẫn phát sinh, những vấn đề bức xúc trong Nhân dân để thực hiện hòa giải một cách hiệu quả.

Hoạt động hòa giải cơ sở đi vào nền nếp, hiệu quả

Để công tác hòa giải đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, quận Hà Đông đã triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022"; tăng cường tổ chức các hội hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho hòa giải viên cơ sở.

Bà Cấn Thị Việt Hà nhấn mạnh, những năm qua nhờ sự chung tay đóng góp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là các tổ hòa giải ở cơ sở đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương tổ chức hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn ngay tại cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đưa hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất và hiệu quả, đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở trong thời gian tiếp theo, bà Cấn Thị Việt Hà đề nghị các phòng ban đơn vị, UBND các phường tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Luật Hòa giải ở cơ sở, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật có trọng tâm, trọng điểm, huy động sự tham gia phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể, các tổ dân phố, các tổ hòa giải tạo ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật nói chung của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn.

Hòa giải cơ sở góp phần nâng cao hiệu quả phổ biến pháp luật
Quận Bắc Từ Liêm sáng tạo trong công tác hòa giải
Huyện Gia Lâm nâng cao chất lượng công tác hòa giải

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.