Kinh tế Việt Nam trong năm 2023 với nhiều gam màu sáng

Bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có nhiều gam màu sáng được thể hiện ở các động lực tăng trưởng như giải ngân đầu tư công cao nhất từ trước tới nay, dòng vốn FDI ngày càng mở rộng, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu, một số mặt hàng nông sản đạt kỷ lục xuất khẩu như gạo, sầu riêng…
Kinh tế Việt Nam trong năm 2023 với nhiều gam màu sáng
Khách hàng đang chọn mua nông sản Việt tại siêu thị Tops Market. Ảnh: Nguyễn Đăng

Giải ngân đầu tư công cao kỷ lục

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 30/11/2023, ước tính, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 461.000 tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77 điểm phần trăm về số tương đối và 122.600 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Những kết quả trên cho thấy, những các giải pháp đôn đốc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vào Việt Nam cao kỷ lục là một điểm sáng của nền kinh tế năm 2023. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2023, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023.

Trong đó, FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 16,67 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 82,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,21 tỷ USD, chiếm 6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 982,6 triệu USD, chiếm 4,9%. Năm 2023 cũng được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong các năm tiếp theo.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sau 11 tháng đạt gần 620 tỷ USD, trong đó xuất siêu gần 26 tỷ USD. Trong đó, điểm sáng nhất có thể kể đến là một số mặt hàng nông sản đạt kỷ lục xuất khẩu như gạo, sầu riêng… Sau khi Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng, xuất khẩu mặt hàng này đã tăng đột biến. Trong khi đó, dưa hấu vừa chính thức được cấp "visa" xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là tín hiệu rất mừng cho DN và người trồng dưa.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới

Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 luôn ở mức cao nhất thế giới, nhiều thời điểm giữ mức hơn 650 USD/tấn. Năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt trị giá khoảng 4,5 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Hơn 90% gạo Việt xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Dự báo, Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng sản lượng và giá trị gạo xuất khẩu do nhu cầu gạo trên toàn cầu tăng cao. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là sự kết tinh từ những đóng góp không mệt mỏi của những người nông dân trồng lúa, các nhà khoa học, nhà quản lý, các DN, đặc biệt là hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.

15 năm kể từ khi bắt đầu được triển khai, dưới sự chỉ đạo sát sao, bài bản của Đảng, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của DN và người dân. Không còn ở thế yếu so với hàng nhập khẩu như các năm trước, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng lên mạnh mẽ.

Đến nay, cuộc vận động đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các DN cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng sản xuất trong nước. Hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, chất lượng ngày càng cải thiện, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm.

Tại cuộc gặp với các DN công nghệ Việt Nam vừa qua, ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng GĐ Tập đoàn NVIDIA cho biết: “NVIDIA đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường quan trọng. Với quan điểm coi Việt Nam là ngôi nhà của mình, NVIDIA mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới”.
Cần thêm chính sách ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh
Năm 2024 biến động và thách thức của kinh tế toàn cầu
Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.