Ghi nhận sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại Hà Nội:

Huyện Gia Lâm nâng cao chất lượng công tác hòa giải

10 năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm không ngừng được củng cố và phát triển, từng bước được nâng cao về chất lượng.
Hòa giải viên tham gia cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2023 trên địa bàn huyện Gia Lâm 		Ảnh: Bạch Dương
Hòa giải viên tham gia cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2023 trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ảnh: Bạch Dương

Hoạt động hòa giải đi vào đời sống xã hội

Ông Nguyễn Đình Quang - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Gia Lâm cho biết, để triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, hàng năm, UBND huyện đều ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung công tác hòa giải ở cơ sở, chỉ đạo kiện toàn, tổ chức tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn theo quy định của Luật. Kết quả kiện toàn về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải trên địa bàn huyện từ năm 2014 đến 6/2023 là 168 tổ hòa giải với 1.146 hòa giải viên.

Sau 10 năm thực hiện Luật, vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội được khẳng định. Đến nay các tổ hòa giải đã tiến hành thụ lý và tổ chức hòa giải 2.801 vụ việc, hòa giải thành 2.405, tỷ lệ hòa giải thành đạt bình quân trên 87%. Hiệu quả công tác hòa giải cơ sở được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, số vụ hòa giải thành ngày càng cao.

Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên được xác định là nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch trọng tâm công tác tư pháp hàng năm; các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải được tổ chức định kỳ. 100% tổ hòa giải trên địa bàn huyện được phát miễn phí Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế & Đô thị) theo chương trình của UBND TP.

Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện tích cực tham gia cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” cấp huyện và cấp TP. Tiểu phẩm của đội thi huyện Gia Lâm đã đạt Giải Ba cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” TP Hà Nội năm 2023.

Phổ biến pháp luật gắn với hòa giải ở cơ sở

Thực hiện hướng dẫn của Sở Tư pháp - Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và chỉ đạo của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức quán triệt, triển khai tới các tổ hòa giải trên địa bàn tổ chức thực hiện các tiêu chí đánh giá “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Theo ông Nguyễn Đình Quang, kết quả thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc hỗ trợ kinh phí bảo đảm kịp thời, đúng quy định; tăng cường sự phối hợp kết hợp của ban công tác mặt trận và các ngành, đoàn thể ở cơ sở trong công tác hòa giải;

Đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” theo hướng dẫn mới, trong năm 2022 UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ban hành các quyết định công nhận 102/168 tổ hòa giải đạt tiêu chí “Tổ hòa giải 5 tốt”, đạt tỷ lệ 60,7%.

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội ghi nhận những kết quả công tác hòa giải ở huyện gia Lâm đã đạt được trong 10 năm qua. Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới, các cấp chính quyền huyện Gia Lâm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Gắn công tác hòa giải với công tác hội của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác.

Hòa giải cơ sở đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương
Công tác hòa giải ở quận Hoàn Kiếm nền nếp, hiệu quả
Quận Bắc Từ Liêm sáng tạo trong công tác hòa giải

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.