Ứng xử hài hòa với cây xanh đô thị

Cây xanh đô thị là phần diện tích được “phủ xanh” của TP Hà Nội. Đây được coi là “lá phổi” tạo lập môi trường sống trong lành, tươi đẹp, góp phần nâng cao sức khỏe của Nhân dân.
Hà Nội hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ cây xanh 8-10 m2/người vào năm 2025 - (hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). 	Ảnh: Khánh Huy
Hà Nội hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ cây xanh 8-10 m2/người vào năm 2025 - (hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy

Quỹ đất cho cây xanh đang bị thiếu

Hiện nay, Hà Nội còn thiếu diện tích cho phát triển công viên cây xanh, đơn cử như ở khu vực nội thành, nơi có tỷ diện tích công viên khá cao khoảng 135ha với bình quân 1,3m2/người, nhưng vẫn thấp so với mục tiêu 7m2/người vào năm 2030.

Ngoài ra, trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như: Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân,… tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ đạt 0,05m2/người.

Theo TS.KTS Hoàng Hữu Phê - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sức ép từ các hoạt động của con người đang làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật trong đô thị. Tại nhiều tuyến phố, người dân tận dụng cây xanh để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh như treo biển quảng cáo. Bên cạnh đó, do các công trình xây dựng dân sinh được xây dựng với mật độ lớn, vỉa hè hẹp khiến cho cây xanh phải nghiêng ra phía lòng đường để tìm không gian sống.

Còn tại các khu đô thị, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hiện nay, không gian cây xanh trong đô thị, đặc biệt ở các khu đô thị mới đang bị thiếu trầm trọng.

“Tại nhiều khu đô thị mới, chủ đầu tư tận dụng tối đa diện tích để xây dựng, làm mất đi không gian dành cho cây xanh. Một số dự án, chủ đầu tư còn tận dụng hệ thống cây xanh công cộng để làm cây xanh cho dự án” - ông Trần Ngọc Chính cho biết thêm!.

Trồng mới 200.000 - 250.000 cây xanh

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1,16 triệu cây bóng mát. Trong đó, cấp TP đang quản lý, duy trì khoảng 800.000 cây trên 761 tuyến đường, phố tại 12 quận và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên tỉnh, đại lộ và 5 công viên lớn.

Cây xanh đã góp phần không nhỏ vào cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho TP, tuy nhiên, ghi nhận trên một số tuyến phố cho thấy, cây xanh thậm chí còn bị đổ xi măng, xây bục quây, kê gạch chắn… toàn bộ phần gốc với lý do để “sạch sẽ”.

Cây xanh đô thị có nhiều giá trị và lợi ích cả về vật chất, tinh thần và cải thiện khí hậu - (Hàng cây xanh trên đường Phan Đình Phùng, quận Bà Đình). Ảnh: Khánh Huy
Cây xanh đô thị có nhiều giá trị và lợi ích cả về vật chất, tinh thần và cải thiện khí hậu - (Hàng cây xanh trên đường Phan Đình Phùng, quận Bà Đình). Ảnh: Khánh Huy

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù cây xanh đô thị có nhiều giá trị và lợi ích cả về vật chất, tinh thần và cải thiện khí hậu, nhưng chúng vẫn chưa được sự quan tâm đúng mực của cộng đồng và xã hội. Cây xanh đô thị vốn nên được bảo vệ phát triển, thì lại bị chính những người thụ hưởng “trói buộc vòng đời” trong khoảng không gian chật hẹp. Điều này đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên của cây xanh, làm mất cân bằng sinh thái.

Để giải quyết bài toán nan giải này, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ban hành hướng dẫn tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Giáp Thìn 2024.

Theo đó, trong năm 2024, toàn TP sẽ trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng khoảng 200.000 cây ăn quả; trồng mới và trồng bổ sung 20 - 30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Riêng đợt ra quân trồng cây đầu Xuân Giáp Thìn, TP Hà Nội phấn đấu trồng 100.000 - 120.000 cây xanh các loại, góp phần bảo đảm ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng của TP.

Các quận, huyện, thị xã, đơn vị căn cứ vào thực tế địa phương triển khai tổ chức phát động Tết trồng cây từ ngày 15 đến 24/2/2024. Thời gian triển khai trồng cây có thể kéo dài trong vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 10).

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị đồng bộ với quy hoạch, phù hợp với đặc điểm của không gian khu vực, đáp ứng yêu cầu mỹ quan đô thị. Phát triển hệ thống cây xanh đô thị đa dạng, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng khí hậu của Thủ đô, tạo điểm nhấn đặc trưng phù hợp với cảnh quan kiến trúc.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể nhu cầu đầu tư trồng mới, bổ sung và thay thế cây xanh tại các tuyến đường, các nút giao trên địa bàn TP…

Để phát huy sức mạnh của toàn xã hội, cần thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không chỉ TP Hà Nội trồng và bảo vệ cây xanh ở cả các khu vực công cộng lẫn trong khuôn viên mỗi nhà. Càng nhiều mảng xanh nho nhỏ như thế góp lại, bức tranh tổng thể tại các đô thị Việt Nam sẽ ngày càng xanh tươi, sạch đẹp, hiệu quả hơn.

Hà Nội hiện có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, khoảng 1,6 triệu cây được trồng mới. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh đô thị của TP mới đạt khoảng 2 m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt tối thiểu 6 - 7 m2/người.
Hà Nội ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị
Hà Nội trồng mới 500.000 cây xanh đô thị gắn với các tiêu chí đô thị thông minh và hiện đại
Cây xanh đô thị đang bị “giảm tuổi thọ” bởi...

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.