Dấu gạch nối giữa hiện tại và quá khứ trong nghề xưa của Hà Nội

Giữa ồn ào, vội vãi của phố thị, đâu đó vẫn có những hình ảnh, thanh âm bình dị, giản đơn. Trên góc tường rêu phong, hay trong những con ngõ nhỏ chật hẹp, tiếng tông đơ ro ro, dáng ngồi vắt chân, tay cầm tờ báo cũ của những bác thợ cắt tóc dạo đã trở thành một phần không thể nào thiếu trong ký ức về Hà Nội một thời.
Các hàng cắt tóc ở phố Quang Trung quãng năm 1991-1993
Các hàng cắt tóc ở phố Quang Trung quãng năm 1991-1993.

Hà Nội thời bao cấp, hẳn là chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những bác thợ cắt tóc ngồi san sát, cách nhau chỉ 1 tới 2 hàng cây, tạo thành một tổ hợp dọc một góc phố. Dù chỉ với những đồ nghề rất đơn sơ đó là chiếc gương nhỏ treo trên tường hoặc trên thân một cây cổ thụ, tông đơ, lược, kéo, chiếc ghế nhựa, bác thợ nào có điều kiện hơn thì sắm cho tiệm mình chiếc ghế salon chuyên dụng… thế là đủ gắn bó với nghề đến cả mấy chục năm.

Nghề cắt tay không chỉ đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ, cẩn thận, mà cũng cần ở người thợ sự nhạy bén, đôi mắt thẩm mĩ để có thể tư vấn cho khách hàng của mình kiểu tóc ưng ý, phù hợp với khuôn mặt, lứa tuổi.

Và hơn thế nữa, dù không thể cung cấp trải nghiệm, các dịch vụ sang trọng như các salon thời nay nhưng những người thợ này mang đến cho khách hàng cảm giác thân thiết và gần gũi thông qua những câu chuyện tâm tình, chuyện đời, chuyện nghề, những tin tức thời sự, chuyện trong nhà ngoài phố...

Có lẽ một trong những thành công của một tiệm cắt tóc vỉa hè chính dựa vào mối quan hệ thân tình giữa người thợ và khách hàng. Ở độ đuổi trung niên, khi không còn phải lo lắng, bộn bề công việc, cuộc sống, có những vị khách hàng thân thuộc không đến để cắt tóc, họ ghé thăm nhau như một thói quen, như một nhu cầu bầu bạn, sẻ chia với tri kỉ.

Đôi bàn ta múa kéo thoăn thoắt, nhanh nhẹn đưa tông đơ, hay những đường kéo khéo léo. Có khi phải kết hợp cả hai tay, một tay cầm lược, một tay cầm tông đơ xén đi những sợi tóc còn lưa thưa, hết lớp tóc này tới lớp tóc khác, để hình thành nên kiểu tóc mong muốn cho khách hàng, cứ như vậy cho tới khi tóc được gọn gàng, ưng ý.

Nhìn dáng dấp của bác thợ cắt tóc, khi thì lom khom, khi thì đứng thẳng, cẩn thận, tỉ mỉ, ngắm nghía, chau chuốt cho bộ tóc thật đẹp, tự nhiên thấy cuộc sống trôi đi thật chậm trong từng khoảnh khắc ấy. Cảm giác thú vị khi vừa ngồi thư giãn cắt tóc vừa được nghe tiếng chim hót dưới những tán cây cổ thụ, tiếng còi xe cộ tấp nập bên đường và tận hưởng những làn gió trời mát mẻ vào mùa hè thật thân thuộc và dễ chịu.

Sau “chiến dịch giành lại vỉa hè” với mục tiêu biến đường phố trở nên sạch sẽ, tinh tươm như ở các nước phát triển đã khiến nhiều người trong số họ mất đi kế sinh nhai. Đường phố đẹp hơn nhưng cũng đồng thời vô tình làm mất đi những nét bình dị, mộc mạc của phố phường xưa. Những bác thợ cắt tóc vỉa hè năm ấy có khi phải bỏ nghề, cũng có khi phải lui vào mở tiệm ở những ngóc ngách chật hẹp.

Những cửa hàng tóc sang trọng, to lớn đáp ứng đươc nhiều hơn nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ, nhưng không vì vậy mà làm mất đi những nét đẹp văn hóa của nghề xưa này. Những tiệm cắt tóc vỉa hè chính là dấu gạch nối giữa hiện tại và quá khứ, là nét đẹp bình dị, thân quen vang bóng với thời gian của Hà Nội xưa.

Cảm ơn những người thợ yêu nghề vì sự tận tâm và nét duyên dáng rất riêng mà họ mang đến cho những góc vỉa hè của Hà Nội bao năm qua để Hà Nội còn lưu giữ mãi dấu ấn một thời xa xưa, đáng nhớ, đáng trân trọng.

Ngôi làng vẫn giữ mãi nghề xưa…
Người thợ có tay nghề xuất sắc

Mai Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.