Vướng vòng lao lý từ việc đòi nợ tài sản của mình

Vừa qua, do đòi nợ tài sản của mình mà bên mua chưa trả hết trong quá trình sang nhượng cửa hàng nhưng thực hiện trái với quy định pháp luật, 2 vợ chồng đã bị CQCA khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia pháp lý có chia sẻ...
Cặp vợ chồng Đàm Thanh Hòa - Phạm Thị Ngân.	Ảnh: CQCA cung cấp
Cặp vợ chồng Đàm Thanh Hòa - Phạm Thị Ngân. Ảnh: CQCA cung cấp

Từ đòi nợ thành cưỡng đoạt tài sản

Vừa qua, CA huyện Thường Tín nhận được đơn trình báo của chị Đ.T.G, SN 1986, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Trong Đơn của chị G nêu rõ, khoảng 20h30 ngày 18/9, cửa hàng quần áo của chị G ở đường Hùng Nguyên, thị trấn Thường Tín bị vợ chồng Phạm Thị Ngân (SN 1987) và Đàm Thanh Hòa, cùng trú tại thị trấn Thường Tín và một số đối tượng khác đến lấy hàng hóa dù không được cho phép.

Qua điều tra xác định, vợ chồng Hòa - Ngân đã thỏa thuận chuyển nhượng cửa hàng thời trang ở đường Hùng Nguyên cho chị Đ.T.G từ tháng 5/2023 với giá 1.570.000.000 đồng. Sau đó, chị G đã chuyển cho Ngân số tiền 1.500.000.000 đồng, số còn lại chưa chuyển nốt.

Ngày 18/9, Hòa, Ngân đã cùng 6 đối tượng khác là người quen đến cửa hàng của chị G. Tại đây, các đối tượng đã tự ý lấy quần áo của cửa hàng cho vào bao tải. Khi bị nhân viên can ngăn, Ngân giới thiệu mình là chủ nên muốn lấy hàng của mình, mục đích để thúc ép chị G trả nốt phần tiền còn lại. Được nhân viên gọi điện thông báo, chị G sau đó đã có mặt và hai bên lời qua tiếng lại. Do không giải quyết được nên chị Đ.T.G đã đến CQCA trình báo sự việc.

Tại CQCA, Đàm Thanh Hoà, Phạm Thị Ngân cùng các đối tượng có liên quan đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân. Xét thấy, hành vi của vợ chồng Hòa - Ngân cùng đồng phạm có đủ căn cứ cấu thành tội phạm nên CQ CSĐT - CA huyện Thường Tín đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng để xử lý về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Các đối tượng là người quen của Hoà, Ngân cũng đến cửa hàng và tự ý lấy quần áo cho vào bao tải.	 Ảnh: CQCA cung cấp
Các đối tượng là người quen của Hoà, Ngân cũng đến cửa hàng và tự ý lấy quần áo cho vào bao tải. Ảnh: CQCA cung cấp

Cẩn trọng từ quá trình thoả thuận, thực hiện giao dịch

Theo chuyên gia pháp lý, cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, được chia làm 4 khung hình phạt như sau: Ở khung 1, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ở khung 2, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm. Ở khung 3, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Ở khung 4, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ở vụ việc này, xét thấy theo các thông tin của CQ CA, đã có đủ căn cứ để cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” nên nhiều khả năng sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Còn bị xử lý ở mức độ khung hình phạt nào thì còn cần CQ CA trong quá trình điều tra xác định giá trị tài sản mà 2 vợ chồng đó đã chiếm đoạt. Ngoài ra, trong vụ việc còn có một số đối tượng khác là người quen của Hòa, Ngân cũng đến tự ý lấy quần áo của cửa hàng cho vào bao tải.

Trong trường hợp CQCA xác định không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì các đối tượng vẫn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng căn cứ theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Chuyên gia pháp lý cũng cho biết, trong quá trình thực hiện các giao dịch, cụ thể như trong trường hợp này là giao dịch về sang nhượng cửa hàng, chúng ta nên kỹ càng từ khâu thỏa thuận, làm hợp đồng có điều khoản rõ ràng để trong trường hợp xảy ra vấn đề phát sinh như việc bên mua không kịp thời trả tiền cho bên bán thì có thể tiếp tục thỏa thuận, hoặc có thể có căn cứ để đưa ra CQ chức năng để xử lý sự việc. Ngoài ra, các giấy tờ hoặc hợp đồng sang nhượng cửa hàng không bắt buộc phải ký công chứng hoặc chứng thực.

Tuy nhiên để bảo vệ tính pháp lý và quyền lợi của mình, các bên nên công chứng để giá trị pháp lý của giấy chuyển nhượng cửa hàng được đảm bảo. Bên cạnh đó, mỗi công dân cũng cần trang bị các kiến thức cơ bản về pháp luật, giữ “cái đầu lạnh, trái tim nóng”, tránh để bị vướng vòng lao lý.

Triệt phá ổ nhóm cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê
Bắt nhóm đối tượng đòi nợ kiểu “xã hội đen”
Từ đòi nợ thành cưỡng đoạt tài sản của chủ cửa hàng quần áo

Duy Minh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.