Bộ Công an đã xử lý 232 cán bộ, công chức... vi phạm nồng độ cồn

Đại diện Cục CSGT cho biết, từ ngày 30/8/2023 đến ngày 15/10/2023, thực hiện kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, các Tổ công tác của Bộ Công an đã triển khai ở 58 địa phương, qua đó phát hiện bàn giao cho công an địa phương 6.119 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Xử lý vi phạm về nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngày nghỉ
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Tuấn Sơn

Theo đó, trong khoảng thời gian trên, các Tổ công tác của Bộ Công an do Cục CSGT làm tổ trưởng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung kiểm soát, phát hiện, xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh, TP.

Các tổ công tác đã tổ chức 316 ca kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả đã trực tiếp kiểm soát 197.932 phương tiện (96.990 xe ô tô, 100.942 xe mô tô và xe máy điện, xe 3 bánh). Phát hiện và bàn giao cho địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm (1.202 xe ô tô, 5.160 xe mô tô, 28 xe máy điện, 1 xe ba bánh).

Trong đó có 6.119 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 46 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 32 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, 12 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa, 187 trường hợp vi phạm khác.

Qua xác minh đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức… Các trường hợp này ngoài xử lý theo quy định, Cục CSGT còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Quá trình kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, các tổ công tác đã phát hiện, trực tiếp, bắt giữ, lập biên bản, bàn giao cho Công an địa phương khởi tố: 8 vụ, 9 đối tượng gồm 3 vụ, 4 đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng chất ma túy trái phép; 3 vụ, 3 đối tượng chống người thi hành công vụ; 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để xác minh, xử lý: 37 vụ, trong đó 24 vụ liên quan đến ma túy, 10 vụ liên quan đến GPLX không do cơ quan thẩm quyền cấp, 2 vụ không chấp hành có dấu hiệu chống người thi hành công vụ; 1 vụ có dấu hiệu đục số khung, số máy, gắn biển số không đúng với xe đang điều khiển.

Với sự quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đó, từ ngày 30/8/2023 đến ngày 15/10/2023, tai nạn giao thông (TNGT) nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia đã giảm rõ rệt cả 3 tiêu chí. Cụ thể TNGT nguyên nhân do sử dụng rượu bia xảy ra 50 vụ, làm chết 19 người, bị thương 48 người. So với cùng kỳ giảm 30 vụ (-37,5%), giảm 21 người chết (-52,5%), giảm 16 người bị thương (-25%).

So với thời gian trước liền kề giảm 28 vụ (-35,90%), giảm 17 người chết (-47,22%), giảm 1 người bị thương (-2,04%). TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra. TNGT liên hoàn xảy ra 5 vụ, làm bị thương 6 người. So với cùng kỳ giảm 5 vụ (-50%), giảm 7 người chết (-100%), giảm 2 người bị thương (-25%). So với trước liền kề giảm 2 vụ (-28,57%), giảm 4 người chết (-100%), giảm 3 người bị thương (-100%).

“Những con số về TNGT nguyên nhân do sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn đã chứng minh cho hiệu quả của việc quyết liệt xử lý vi phạm của các tổ công tác Bộ Công an, rất mong các cơ quan báo chí lan tỏa thông tin để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, không lái xe khi đã uống rượu bia, an toàn cho mình, cho người tham gia giao thông khác. Về phía lực lượng CSGT theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn là liên tục, không có ngày nghỉ và không có vùng cấm, không có ngoại lệ” - đại diện Cục CSGT khẳng định.

Bộ Công an thông tin về quy định tỉ lệ nồng độ cồn
Hiệu quả của việc xử lý nồng độ cồn
Quy định nồng độ cồn bằng 0: nồng độ cồn trong máu của các bệnh nhân tai nạn giao thông

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.