Những bước đi bền vững của nông nghiệp Hà Nội:

Bài 4: Đưa sản phẩm nông nghiệp uy tín “lên sàn”

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị nông nghiệp, kinh doanh nông sản, tạo đà phát triển kinh tế vùng nông thôn và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Không những thế, TP tổ chức nhiều chương trình để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch nông nghiệp cũng như các hội chợ uy tín.
Bài 4: Đưa sản phẩm nông nghiệp uy tín “lên sàn”
Hà Nội đưa nhiều sản phẩm OCOP nên sàn giao dịch điện tử, giúp người dân dễ tiếp cận sản phẩm qua hình thức online. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 08/KH-UB, ngày 7/1/2022 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của thành phố.

Theo đó, sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá, giới thiệu lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) và Voso.vn (thuộc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bên liên quan và các sàn thương mại điện tử tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng trên sàn cho các hộ sản xuất.

Các sàn thương mại điện tử xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ sản xuất trong quy trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử; đồng thời triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên sàn thương mại điện tử để bảo đảm chất lượng sản phẩm…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử; kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm các sản phẩm nông sản. Sở Công Thương hỗ trợ các sàn thương mại điện tử thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin: Tính đến hết năm 2022, đã hỗ trợ các đơn vị đưa nông sản sạch lên sàn thương mại điện tử, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (www://check.hanoi. gov.vn) cho 3.135 hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói... với 11.204 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế đến nay, TP. Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao. Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.

Hiện các địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, các yêu cầu thông tin về sản phẩm ngày càng cao hơn, như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm... Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy phát triển chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng. Việc số hóa dữ liệu sản phẩm nông nghiệp rất thuận lợi cho chính sản phẩm đó lên các sàn giao dịch và các hội chợ giao dịch.

Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội tập trung vào đánh giá, phân hạng sản phẩm thì đến giai đoạn 2021-2025, xúc tiến thương mại là một nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên các nền tảng số được coi là nét đặc trưng phù hợp với định hướng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

GS.TS Trần Văn Ơn - Cố vấn quốc gia Chương trình OCOP cũng cho biết: Trong quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm, phần người dân cần hỗ trợ nhất là tìm ý tưởng sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực… muốn phát triển bền vững Chương trình OCOP trong giai đoạn tới, các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng, cần tiếp tục tuân thủ quy luật đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Không thể ngay lập tức yêu cầu chủ thể phải làm ở quy mô lớn khi chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô tập trung phát triển các kênh xúc tiến thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số, theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương. Đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh thương mại điện tử và điểm du lịch trên địa bàn thành phố.

(Còn nữa)

Bài 1: Tăng tỷ trọng nhờ công nghệ số Bài 1: Tăng tỷ trọng nhờ công nghệ số
Bài 2: Cần chính sách hỗ trợ đào tạo cho thanh niên nông thôn có kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp Bài 2: Cần chính sách hỗ trợ đào tạo cho thanh niên nông thôn có kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp
Bài 3: Xây dựng nền tảng dữ liệu nông nghiệp bền vững Bài 3: Xây dựng nền tảng dữ liệu nông nghiệp bền vững

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.