Những bước đi bền vững của nông nghiệp Hà Nội:

Bài 3: Xây dựng nền tảng dữ liệu nông nghiệp bền vững

Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Do đó, cần phải chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai…
Bài 3: Xây dựng nền tảng dữ liệu nông nghiệp bền vững
Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần xây dựng dữ liệu ngành đầy đủ. Ảnh: Bộ KH&CN

Nhiều mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp

Trên địa bàn TP Hà Nội, những mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp đang xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần đem lại những giá trị mới có tính bền vững.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đến nay trên địa bàn có nhiều mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả như: Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thực hiện quản lý và sản xuất với diện tích 70ha; Hợp tác xã trồng lúa, bưởi hữu cơ và rau an toàn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất với quy mô 20ha. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất lúa hữu cơ.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội có quy mô sản xuất 17,8ha. Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap..

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, thu hẹp và loại bỏ các khâu trung gian vốn là vấn đề nan giải nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đang từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

Cần nền tảng dữ liệu nông nghiệp đồng bộ

Nhưng để chuyển đổi số, cần nền tảng dữ liệu đồng bộ, đây là một vấn đề mà Hà Nội còn gặp khó. Bởi trong việc chuyển đổi số nông nghiệp, không chỉ có việc áp dụng công nghệ trong quá trình sản xuất và nuôi trồng, mà các doanh nghiệp cũng đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Việc ưu tiên chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp giúp tăng cường hiệu quả trong điều hành, tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất.

Quá trình số hóa toàn bộ quy trình, từ sản xuất và thu hoạch đến nhập kho và phân phối, đang tạo ra một môi trường thông tin liên lạc tốt hơn giữa các bên liên quan trong hệ thống nông nghiệp. Việc số hóa cũng đem lại khả năng hiển thị dọc theo chuỗi cung ứng cho các tác nhân khác nhau, từ đó làm cho quy trình trở nên minh bạch hơn và hiệu quả cao hơn.

Quá trình số hóa đó cũng đòi hỏi hệ thống dữ liệu của các mảng: đất đai, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thị trường, lao động… đều có tính kết nối. Trong khi đó, số hóa dữ liệu này cần nguồn lực không nhỏ, phải tập trung về một đầu mối, không thể nhỏ lẻ.

Bài 3: Xây dựng nền tảng dữ liệu nông nghiệp bền vững
Công nghệ được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bộ KH&CN

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, TP Hà Nội xác định thực hiện phải dựa trên nền tảng dữ liệu; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như: Ðất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân - đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô cho biết, đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc đánh giá thực trạng và hiện trạng là cực kỳ quan trọng. Bởi tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp từ lịch sử để lại là rất lớn. Các ngành thủy lợi, lâm nghiệp, nông nghiệp… của Thủ đô còn "bó buộc" rất nhiều. Cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp đang rất phân tán, không đầy đủ.

Vì thế, không muốn ứng dụng được các kỹ thuật hiện đại và số hóa nông nghiệp, sử dụng các công nghệ như: Ứng dụng Big Data vào các sản phẩm công nghệ số như phần mềm phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và theo dõi quá trình cây lớn và phát triển…; Áp dụng công nghệ IOT, blockchain, công nghệ sinh học lên các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn… thì dữ liệu cần đồng bộ và đầy đủ.

Ý kiến từ nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng dữ liệu nông nghiệp nói chung, và ứng dụng nó với Hà Nội nói riêng cần những giải pháp sau: Khuyến khích người dân thay đổi thói quen ghi chép nhật lý canh tác và chăn nuôi sang ghi nhật ký trên thiết bị điện tử, thông qua việc tập huấn và hướng dẫn nông dân tham gia vào mô hình ghi nhật ký sản xuất;

Tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, tập trung vào đất trồng cây ăn quả, trồng lúa, đất rừng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản;

Các cơ quan có thẩm quyền cần thống kê chi tiết dữ liệu quan trọng liên quan đến phạm vi quản lý của mình;

Thiết kế mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất nhằm phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã khẳng định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng để mở ra cơ hội và những mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Qua đó để thấy chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.

"Để có thể minh bạch nền nông nghiệp cần phải có căn cứ, dữ liệu trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu với độ mở của nền kinh tế 207% và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền nông nghiệp Việt Nam rất đa dạng với 7 vùng kinh tế, sinh thái, thổ nhưỡng, khí hậu. Muốn đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới, không cách nào khác phải công khai minh bạch trên cơ sở thực hiện chuyển đổi số", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Bài 2: Cần chính sách hỗ trợ đào tạo cho thanh niên nông thôn có kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp
Bài 1: Tăng tỷ trọng nhờ công nghệ số

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.