Phú Quốc: Quyết tâm xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Với quyết tâm làm sạch môi trường, TP Phú Quốc (Kiên Giang) đã có những động thái đi đầu trong việc phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn Đảo Ngọc.
Phú Quốc: Quyết tâm xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Mỗi ngày tại TP Phú Quốc có hơn 300 tấn rác thải sinh hoạt ra môi trường. Ảnh: Hữu Tuấn

Hơn 300 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phú Quốc, lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn TP năm 2022 ước tính khoảng 301 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 32,6 tấn/ngày chất thải rắn có thể tái chế được (nhựa, kim loại, giấy, bìa các tông…) được tách ra để thu hồi và tái chế; khoảng 21 tấn/ngày chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy được thu gom làm thức ăn cho gia súc.

Còn lại, lượng chất thải phát sinh của TP Phú Quốc có nhu cầu được thu gom khoảng 220 tấn/ngày, trong đó lượng phát sinh tại khu vực đô thị đóng góp 55,5% và nông thôn đóng góp 44,5%.

Hiện nay, việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Phú Quốc được Ban Quản lý công trình đô thị TP tổ chức thực hiện; riêng xã Thổ Châu và các khu phố Bãi Nam, Bãi Chướng, Hòn Rỏi thuộc phường An Thới tự tổ chức thu gom thải sinh hoạt do nằm tách biệt với đảo lớn.

Ngoài ra, Quản lý công trình đô thị TP Phú Quốc còn thực hiện công tác vệ sinh đường phố; sử dụng xuồng composite thường xuyên vớt rác trên sông Dương Đông, khu vực Dinh Cậu… Một số doanh nghiệp lớn hoạt động trên địa bàn tự thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của các doanh nghiệp.

Từ nhiều năm nay, chất thải rắn sinh hoạt sau khi thu gom được vận chuyển và tập kết, chôn lấp tại bãi rác tạm Đồng Cây Sao được đưa vào hoạt động từ năm 2019 trên diện tích khoảng 2 ha và được thiết kế với công suất chứa là 160.000m3. Đến nay, bãi rác tạm này đã quá tải và không còn khả năng tiếp nhận thêm.

Bên cạnh đó, bãi rác tạm Đồng Cây Sao không có các biện pháp vận hành hợp vệ sinh như lớp che phủ ngày, hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước (hệ thống kiểm soát nước mưa, hệ thống kiểm soát nước rỉ rác). Vì vậy, bãi rác tạm này đang đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng không chỉ trong khu vực bãi rác mà còn cả khu vực xung quanh.

Phú Quốc: Quyết tâm xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Rác thải còn vương tại các khu vực sông, suối, bãi biển rất lớn. Ảnh: Hữu Tuấn

Trên địa bàn TP Phú Quốc, có tổng 116 cơ sở đăng ký loại hình thu mua phế liệu (thu mua các vật liệu có thể tái chế được), trong đó có khoảng 81 cơ sở hoạt động và thu mua các loại phế liệu nói trên, các cơ sở thu mua và bán vật liệu tới địa điểm khác ngoài Phú Quốc chiếm khoảng 20%. Đa phần các cá nhân đi thu mua, người dân chưa tự mang đến bán cho các cơ sở phế liệu từ đó cho thấy được chất thải rắn tái chế chưa được quan tâm nhiều trong việc thu gom xử lý.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: thu gom, vận chuyển, chưa đảm bảo thu gom triệt để, chất thải rắn phát sinh từ hộ gia đình, các cơ sở không phải hộ gia đình và các khu vực du lịch, công cộng, chợ truyền thống. Việc phân loại chất thải chưa có chương trình phân loại tại nguồn được thực hiện gây khó khăn trong việc xử lý.

Ngoài ra, chưa có cơ sở hạ tầng của hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt như: trạm trung chuyển để tập hợp các loại chất thải, các loại chất thải sau khi được phân loại, để tối ưu các hoạt động vận chuyển để các cơ sở xử lý cho từng loại chất thải; cơ sở xử lý chất thải rắn hữu cơ/cơ sở làm phân hữu cơ; các cơ sở thu hồi vật liệu có thể tái chế được; bãi chôn lấp hợp vệ sinh để chôn lấp chất thải rắn còn lại sau phân loại, hoặc chất thải rắn chưa phân loại hoặc nhà máy xử lý...

Quyết tâm khống chế rác thải rắn

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Định - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phú Quốc cho biết: Thời gian tới địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn nói riêng và quản lý nói chung trên địa bàn TP. Sẽ giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các bãi chôn lấp rác; giảm nguy cơ về ô nhiễm môi trường do việc chôn lấp rác không được phân loại, kéo dài thời gian sử dụng của bãi chôn lấp.

Tận dụng được các thành phần có ích trong rác thải sinh hoạt thông qua tái chế, tái sử dụng, góp phần cải thiện chất lượng môi trường; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phú Quốc: Quyết tâm xử lý chất thải rắn sinh hoạt
TP Phú Quốc lắp 6 camera để xử lý hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Ảnh: Hữu Tuấn

Đồng thời, TP Phú Quốc xây dựng thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với hai tuyến thu gom là Sân bay và An Thới 3. Quyết tâm nâng tổng số hộ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn lên 60% tổng số hộ gia đình ở đô thị và 50% tổng số hộ gia đình ở nông thôn.

Ngoài ra, TP Phú Quốc còn xây dựng các gói thầu để các đơn vị tư nhân thực hiện xây dựng cơ sở xử lý chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ với công suất 12.020 tấn/năm đến năm 2030. Các cơ sở xử lý này sẽ xử lý chất thải hữu cơ thu gom được trên địa bàn TP.

Xây dựng các gói thầu để các đơn vị tư nhân thực hiện xây dựng cơ sở thu hồi và sơ chế các vật liệu có thể tái chế được sau khi phân loại với công suất 10.000 tấn/năm đến năm 2030. Cơ sở xử lý này sẽ thu hồi chất thải có giá trị có thể tái chế được thu gom được trên địa bàn TP để sơ chế và vận chuyển đến các cơ sở tái chế.

Ông Phan Xuân Trí - Chủ tịch Liên Đoàn lao động TP Phú Quốc cho biết, muốn xử lý được chất thải rắn sinh hoạt thì cần phải giải bài toán nhà máy rác hoạt động mới đảm bảo việc phân loại, thu gom có hiệu quả. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phân loại rác thải để người dân các cấp hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải rắn.

Bên cạnh đó, địa phương còn xây dựng các văn bản pháp luật, quy định các cơ sở thu mua phế liệu phải báo cáo số liệu thu mua; Ban hành quy định áp dụng xử phạt đối với các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn; Quy định đặt biển cảnh báo “Cấm xả rác thải” - Giữ TP Phú Quốc xanh - sạch - đẹp”; Xây dựng chiến dịch “Giữ TP Phú Quốc xanh - sạch - đẹp”; Xây dựng kế hoạch thực hiện và đi đầu về phân loại rác tại nguồn cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP Phú Quốc nói riêng và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn.

Phú Quốc lắp 6 camera xử phạt bỏ rác thải sinh hoạt không đúng quy định. Theo đó, 6 camera lắp thí điểm ở chợ, sông Dương Đông (phường Dương Đông, TP Phú Quốc) không chỉ góp phần nâng cao ý thức người dân mà còn xử lý nghiêm các trường hợp bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định.

Lãnh đạo Công an địa phương nói sẽ quyết liệt xử lý nghiêm
Hà Nội sẽ tổng rà soát việc thu gom rác thải tại các quận, huyện
Thu gom rác thải nhựa, tái chế thành quà tặng cho trường học

Hữu Tuấn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.