Lan tỏa mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”

Công tác hòa giải cơ sở giữ vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư. Thời gian qua, TP Hà Nội luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng công tác hòa giải, đội ngũ hòa giải viên, đặc biệt tiếp tục phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”.
Tổ hòa giải phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội tập duyệt nội dung tham gia hội thi “Hòa giải viên giỏi toàn quốc” năm 2023 	Ảnh: Bạch Dương
Tổ hòa giải phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội tập duyệt nội dung tham gia hội thi “Hòa giải viên giỏi toàn quốc” năm 2023. Ảnh: Bạch Dương

Hiện nay, toàn TP có 4.994 tổ hòa giải với tổng số 32.101 hòa giải viên. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả.

Công tác tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên được TP và các quận, huyện, thị xã quan tâm triển khai thực hiện hàng năm. Tỷ lệ số hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ngày càng tăng, năm 2022 có 83,41% số hòa giải viên được bồi dưỡng. Hòa giải viên được tiếp nhận trực tiếp nhiều tài liệu về pháp luật và nhiều cách thức để tìm hiểu pháp luật, được tích cực trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm qua nhiều diễn đàn như giao ban, hội thảo, hội nghị, cuộc thi... ở các cấp chính quyền.

Hà Nội có nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải cơ sở, trong đó mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” là một trong những mô hình nổi bật sau 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, đã phát huy hiệu quả tích cực. Hiện, TP có 3.001/4.994 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã từng bước được nhân rộng ở các địa bàn dân cư; thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên địa bàn.

Công tác hòa giải ở cơ sở gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Đội ngũ luật gia, luật sư ngày càng tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Kinh phí hỗ trợ cho hòa giải ở cơ sở ngày càng được UBND các cấp trên địa bàn TP quan tâm và đầu tư hơn. Trong 10 năm TP cấp khoảng 115,4 tỷ đồng chi cho công tác hòa giải cơ sở.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” gắn với việc xây dựng các mô hình có hiệu quả tại cơ sở và các phong trào, các cuộc vận động tại cộng đồng dân cư gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp thực hiện của Ủy ban MTTQ Việt Nam đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Duy trì phát Ấn phẩm Pháp luật & Xã hội của Báo Kinh tế & Đô thị đến 100% tổ hòa giải trên địa bàn TP. Cung cấp tài liệu, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ thực hiện quản lý Nhà nước về hòa giải và hòa giải viên cơ sở. Các địa phương cần tiến hành rà soát các hương ước, quy ước, phong tục tập quán tiến bộ để hòa giải viên vận dụng trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Từ năm 2014 đến tháng 6/2023, tổng số vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh phải hòa giải ở cơ sở toàn TP là 63.699 vụ, đã giải quyết 61.316 vụ, hòa giải thành 51.829 vụ, đạt tỷ lệ 84,45%. Đặc biệt năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành toàn TP đạt trên 86%.
Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” hoạt động hiệu quả
Quận Cầu Giấy, Hà Nội: 100% Tổ hòa giải đạt tiêu chuẩn “Tổ hòa giải 5 tốt”
Tiêu chí “Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội đã gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.