Chuyển đổi số, bước đột phá trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp căn cơ, có tính đột phá để thay đổi tổng thể, toàn diện diện mạo, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật dựa trên sự phát triển của các công nghệ số, tạo điều kiện cho người dân tự học tập, tìm hiểu pháp luật, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Chuyển đổi số, bước đột phá trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật
Hà Nội hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022. Ảnh: Bạch Dương

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Thành phố Hà Nội luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là cơ sở để xây dựng nhà Nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do vậy, thành phố luôn quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và giai đoạn.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, 9 tháng đầu năm 2023, Sở tham mưu Hội đồng tổ chức 1 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin cho khoảng 300 báo cáo viên pháp luật thành phố, báo cáo viên pháp luật quận, huyện, thị xã và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp tổ chức 24 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 6.000 lượt người là các đối tượng là học viên tại các cơ sở cai nghiện trên địa bàn thành phố; hòa giải viên ở cơ sở tại một số quận, huyện, thị xã.

Các quận, huyện, thị xã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật 995 hội nghị qua hình thức trực tiếp cho 217.158 lượt người tham gia; tổ chức 06 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 1.353 người tham gia; phát hành 1.375.835 tài liệu tuyên truyền đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn TP.

Biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở như: Tìm hiểu pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội, mức xử phạt vi phạm hành chính trong tổ chức lễ hội, pháp luật về giao thông đường bộ, phòng chống cháy nổ, đốt pháo, bảo vệ môi trường, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, pháp luật về trẻ em, pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, luật thanh tra…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tham mưu thành phố tổ chức hai cuộc thi: cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn thành phố năm 2023 được tổ chức dưới hình thức xây dựng video clip và cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố Hà Nội được tổ chức dưới hình thức trực tuyến; diễn ra trong vòng một tháng từ 1/8 2023 và kết thúc vào 24h00 1/9/2023 đã thu hút 1.512.991 người tham gia dự thi.

Một số đơn vị đã tích cực triển khai cuộc thi vào và có số lượt người dự thi cao như: khối Sở, ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo (8.858 lượt người), Công an thành phố Hà Nội (4.008 lượt người), Sở Y tế (3.963 lượt người), Sở Lao động Thương binh và Xã hội (1.971 lượt người), Sở Xây dựng (1.443 lượt người)...

Khối quận, huyện, thị xã: huyện hoài Đức (255.119 lượt người), huyện Ðông Anh (231.895 lượt người), quận Cầu Giấy (212.887 lượt người), quận Thanh Xuân (103.439 lượt người), quận Bắc Từ Liêm (93.233 lượt người)...

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã xây dựng tám video clip tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một số lĩnh vực cơ bản về: quy tắc ứng xử đối với học sinh; pháp luật về giao thông đường bộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; pháp luật về nghĩa vụ quân sự; pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá; pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia; pháp luật về phòng chống ma tí… cho thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố.

Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật thành phố đã đăng tải trên 3.417 tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các chuyên mục như tin tức sự kiện, chuyên mục giải đáp pháp luật, bạn cần biết, quy định mới; Phản ánh một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố, các quận, huyện, sở ngành; đề án không sáu, lý lịch tư pháp…; thực hiện giải đáp pháp luật về các lĩnh vực dân sự, hình sự, lao động, tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, VOV Giao thông, VOVTV, Ấn phẩm Pháp Luật & Xã hội – Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Hà Nội mới, Báo Tuổi trẻ Thủ đô… trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác tư pháp, cải cách hành chính, thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp, dự thảo chính sách đề suất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027 trên địa bàn thành phố.

Chủ động tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai hoạt động truyền thông Luật Thủ đô (sửa đổi) và chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; tham mưu cấp có thẩm quyền phân công nhiệm vụ thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi toàn thể hệ thống chính trị của thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tham mưu tổ chức tự đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong kỳ thứ hai đánh giá từ 1/1/2021 đến 31/12/2022 của thành phố Hà Nội: tổng số điểm tự đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố đạt 92.75/100 điểm. Kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật thành phố: Quyết định số 2710/QD-UBND ngày 12/5/2023 công nhận Báo cáo viên pháp luật thành phố Hà Nội.

Những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả

Theo Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, từ khi triển khai thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Sau 10 năm thi hành, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức truyền thống có hiệu quả, các cấp, các ngành thành phố đã không ngừng đổi mới áp dụng các hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật như:

Tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện truyền thông, qua hệ thống cơ quan báo, đài Trung ương và thành phố. Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật (https//:pbgdpl.hanoi.gov.vn). Tuyên truyền trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mạng xã hội: chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập Trang thông tin điện tử, mạng xã hội (fangpage, lập nhóm zalo,...) để thực hiện lan tỏa các bài viết tuyên truyền pháp luật.

Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua hình thức mới sáng tạo thi trực tuyến đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền nhanh, rộng, kịp thời, thu hút nhiều người tham gia dự thi; tổ chức cuộc thi dưới hình thức xây dựng vi deo và bình chọn (Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội, https://timhieuphapluatmoitruongmang.hanoi.gov.vn/).

Cuộc thi hình thức sáng tạo xây dựng vi deo vừa khai thác được nhiều hình thức thể hiện đối với người tham gia dự thi, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, những sản phẩm cuộc thi được sử dụng lâu dài, rộng rãi, có giá trị pháp lý và truyền thông cao, được đẩy mạnh tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức hội nghị tuyên truyền bằng hình thức trực tuyến thu hút đông đảo người tham dự từ thành phố đển cơ sở; tuyên truyền trên tảng mạng xã hội trong việc thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật mạng xã hội, ứng dụng Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus, tài khoản zalo, facebook, fanpage, tin nhắn điện tử… tương tác nhanh trong công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền pháp luật trong thời kỳ chuyển đổi số.

Tuyên truyền trên màn hình điện tử, xây dưng mô hình cầu thang pháp luật: phối hợp với các doanh nghiệp sở hữu màn hình điện tử tại các tòa nhà cao tầng trong khu chung cư (trong cầu thang), khu đô thị triển khai tuyên truyền pháp luật nhất là trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.

Xây dựng tạo nhóm zalo trao đổi các thông tin về các văn bản pháp luật; Tuyên truyền qua hình thức tạo tổ tự quản tại cộng đồng dân cư tổ dân phố điện tử, “tổ phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý”, nhóm nòng cốt, tổ tự quản khu nhà trọ, cầu thang pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật qua các loại hình văn hóa, văn nghệ,...

Kết hợp tuyên tuyền với việc tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo chuyên đề; Đẩy mạnh tuyên truyền trực quan, tuyên truyền lưu động, hình thức trực tuyến, mạng xã hội, ứng dụng… trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức tuyên truyền qua hoạt động xét xử lưu động, phiên toà giả định.

Mục tiêu chuyển đổi số cơ bản đến năm 2025
Xây dựng nền kinh tế số, chính quyền số, xã hội số
Khi khách hàng là trọng tâm trong cuộc đua chuyển đổi số ngân hàng

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.