Bất cập từ thói quen “hạ sách” của người tham gia giao thông:

Kỳ 2: Sự “khôn lỏi” đôi khi phải trả giá đắt

Mất kiên nhẫn vì tắc đường, nhiều phương tiện xe máy cố tình leo lên vỉa hè, lấn làn đường dành cho ô tô, phía ô tô dàn hàng ngang để giành nhau từng khoảng trống gây tình trạng hỗn loạn giao thông vào giờ cao điểm.
Người đi bộ phải nhường đường cho phương tiện xe máy đi trên vỉa hè.	Ảnh: Mộc Miên
Người đi bộ phải nhường đường cho phương tiện xe máy đi trên vỉa hè. Ảnh: Mộc Miên

Tình trạng “mạnh ai người nấy đi”

Bất cứ người dân tham gia giao thông trong khu vực thành phố (TP) vào giờ cao điểm buổi sáng, giờ tan tầm, sau những trận mưa lớn, ngã tư đèn đỏ,… đều quá quen thuộc với “đặc sản” tắc đường của Thủ đô. Dù đường tắc nghẽn cục bộ nhưng hàng trăm chiếc xe máy vẫn cố tình luồn lách qua khe hở của ô tô để giành từng chỗ trống vượt lên trước, bất chấp nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Nhiều tài xế ô tô quá cám cảnh trước hình ảnh các phương tiện xe máy tạt đầu xe, chen ngang, luồn lách vào thời điểm đang chờ đèn đỏ hay xảy ra tắc đường cục bộ.

Không chỉ lấn làn ô tô, không ít các phương tiện xe máy còn leo lên vỉa hè với tốc độ nhanh nhằm thoát cảnh ùn tắc, chờ đợi lâu. Vỉa hè vô tình trở thành tuyến đường phụ của người tham gia giao thông. Ghi nhận tại nhiều tuyến đường, diện tích vỉa hè nhỏ, hẹp, chiều cao vỉa hè so với lòng được khoảng 20cm nhưng có tới hàng trăm xe máy leo lên vỉa hè gây khó khăn trong di chuyển. Nhiều chủ xe máy bị ngã, đổ xe do va chạm với các phương tiện khác đang lưu thông trên đường.

Ngoài tình trạng lấn làn, leo lên vỉa hè, tại các điểm “nóng” giao thông như nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh, nút giao Nguyễn Trãi - Đường Láng, nút giao Nguyễn Chí Thanh - Chùa Láng còn có tình trạng xe máy đi ngược chiều bất chấp nguy hiểm.

Nhiều người điều khiển xe máy đi ngược chiều từ Nguyễn Trãi đi Sơn Tây hoặc đường Láng thay vì quay đầu về phía đường Trường Chinh nhằm tiết kiệm 700m cung đường. Tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh thường xuyên xảy ra tình trạng xe máy đi ngược chiều khi vắng bóng lực lượng chức năng. Theo nhiều người dân sống quanh khu vực, đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông vì thói quen “khôn lỏi” này các phương tiện xe máy đi ngược chiều.

Tình trạng vượt đèn đỏ cũng thường xuyên diễn ra tại ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, nút giao Lê Văn Lương hướng đi Tố Hữu, ngã tư Khuất Duy Tiến hướng đi Phạm Văn Đồng,… Đèn tín hiệu tại các khu vực này gần như bị “vô hiệu hóa” khi hàng trăm xe nối đuôi nhau vượt đèn đỏ. Để ngăn chặn hành vi đi ngược chiều, lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, cắm biển báo, đặt dải phân cách cấm các phương tiện vi phạm nhưng chỉ như “muối bỏ bể” vì cứ vắng bóng lực lượng chức năng giám sát là tình trạng vi phạm lại tái diễn.

Nỗi sợ của người đi bộ

Trước thực trạng “mạnh ai nấy đi” gây nên nỗi ám ảnh của những người đi bộ và những người tham gia giao thông đúng luật. Tại điểm chờ xe buýt đường Cầu Giấy vào giờ tan tầm buổi chiều, tập trung rất nhiều sinh viên, người đi làm đi bộ đến điểm chờ xe buýt phải tấp vào gần cửa hàng kinh doanh để “né” các phương tiện xe máy phóng nhanh trên vỉa hè.

Nghịch lý vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng vào giờ cao điểm phải “gánh” chức năng tuyến đường phụ cho xe máy. Em Nguyễn Thị Loan, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, sau ca làm thêm buổi chiều kết thúc, quá trình đi bộ ra điểm chờ xe buýt là nỗi ám ảnh nhất. Em thường xuyên bị các tài xế xe máy nhấn còi hối thúc, có người còn chửi, đe dọa vì không nhường đường cho xe máy đi trên vỉa hè. Nhiều lúc tránh xe máy đã vấp chân vào biển hiệu của cửa hàng kinh doanh gần đó.

Bản thân em Loan chứng kiến nhiều vụ việc các cô, các chị bị đổ xe, bị ngã khi leo lên vỉa hè để di chuyển. Nhiều người chỉ biết cười trừ vì lỗi vi phạm do chính mình gây ra.

Hồi tháng 7/2023, Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT CA TP Hà Nội) điều tra vụ việc đôi nam nữ điều khiển xe máy tử vong nghi vấn ban đầu do bị trượt ngã lúc leo lên vỉa hè tại đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhiều vụ tai nạn thảm khốc về tình trạng xe máy đánh võng, vượt ẩu, lấn làn.

Năm 2020, tại cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra vụ va chạm giao thông nghiêm trọng giữa người điều khiển xe máy vượt ẩu, lấn làn đâm trực diện vào đầu ô tô hướng ngược chiều khiến hai người đàn ông bị thương nặng. Không ít trường hợp vượt đèn đỏ xảy ra va chạm tai nạn giao thông liên hoàn, gây nên nỗi bức xúc của người tham gia giao thông đi đúng luật.

Những “án tử” đã được cảnh báo từ trước, việc tuyên truyền sâu rộng, tích cực về Luật Giao thông đường bộ từ các phương tiện truyền thông nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông. Nếu giữ tư duy “mạnh ai nấy đi” thì e rằng, quy định có cấm phạt nghiêm khắc thì cũng không chỉ kiểm soát được ở từng thời điểm nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần phạt nghiêm với các lỗi: lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, leo lên vỉa hè,…làm chặt chẽ như với quy định đội mũ bảo hiểm thì có chăng sẽ cải thiện hình ảnh giao thông Thủ đô hiện nay.

Theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, thời gian tới phấn đấu tỉ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị tăng từ 0,25-0,3%, hiện tổng diện tích đất dành cho giao thông năm 2023 đạt 10,65% đất xây dựng đô thị. Tháng 7/2023, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về việc thực hiện khắc phục hạn chế, khuyết điểm liên quan đến “Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra ở một số nơi” sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 của Ban cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Đây là một tín hiệu tích cực để có thể xóa bỏ “điểm đen” ùn tắc, hạn chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Đến vỉa hè cũng “khóc”

Tuyết Nhi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.