Mua bán người dưới 16 tuổi: Hành vi này có bị xử lý nặng hơn?

Người thực hiện hành vi mua bán người có thể là người thực hiện vào một hoặc toàn bộ quá trình mua bán, vận chuyển, chuyển giao và nhận người hay đe dọa sử dụng vũ lực, ép buộc, bắt cóc, lừa gạt…
Đối tượng Lê Minh Công, Hoàng văn Toản và Hoàng Văn Khiêm bị điều tra về hành vi mua bán người (Ảnh: CQCA cung cấp)
Đối tượng Lê Minh Công, Hoàng văn Toản và Hoàng Văn Khiêm bị điều tra về hành vi mua bán người (Ảnh: CQCA cung cấp)

Công an (CA) tỉnh Hải Dương vừa khám phá thành công chuyên án “Mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi”, bắt khẩn cấp 3 đối tượng Lê Minh Công, 26 tuổi, trú tại xã Đồng Hưng, huyện Gia Lộc; Hoàng Văn Toản, 21 tuổi và Hoàng Văn Khiêm, 17 tuổi, cùng trú tại xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Trước đó, Phòng CSHS CA tỉnh Hải Dương nhận được đơn trình báo của chị V., 18 tuổi, trú tại tỉnh Điện Biên, tố cáo bị các đối tượng lừa bán cho quán karaoke. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lực lượng CA đã nhanh chóng xác lập chuyên án để đấu tranh làm rõ.

Theo điều tra, khoảng đầu tháng 8/2023, thông qua mạng xã hội, Lê Minh Công làm quen với cô gái tên V., ở tỉnh Điện Biên. Biết V. đang làm nhân viên phục vụ quán karaoke tại Hà Nội, Công bày trò dụ dỗ V. về nhà mình ở Hải Dương chơi.

Chị V. đã đồng ý về Hải Dương thăm Công và rủ thêm em họ tên là H., 16 tuổi đi cùng. Tại Hải Dương, Công cùng 2 đối tượng khác đón 2 cô gái rồi đưa thẳng về thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nhốt họ vào nhà trọ. Tại đây, các đối tượng tịch thu điện thoại của 2 cô gái, sử dụng hung khí đe dọa và ép nghe điện thoại của một người lạ, V. và H. phải nói dối rằng đang mắc nợ tổng số tiền là 33 triệu đồng.

Sau đó cả nhóm chở 2 chị em V. đi gặp một một khách hàng muốn tuyển nhân viên, thực chất là muốn “bán” 2 chị em V. Tuy nhiên, người khách này chỉ trả 10 triệu đồng, nên các đối tượng không đồng ý. Qua trung gian, các đối tượng tìm được chủ một quán karaoke ở thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đang có nhu cầu tuyển nữ nhân viên. Khi liên hệ, các đối tượng nói rằng 2 cô gái đang nợ chủ cũ tổng cộng 33 triệu đồng, nếu muốn thuê về làm thì người chủ quán mới phải trả toàn bộ số nợ đó cho chủ cũ.

Chủ quán đồng ý trả số nợ trên để thuê 2 chị em V. làm nhân viên phục vụ. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chủ quán phát hiện H. (em họ V) chưa đủ độ tuổi lao động nên đã liên hệ để gia đình ở Điện Biên xuống đón về nhà. Chị V. và H. sau đó đã làm đơn tố cáo hành vi của các đối tượng đến CA tỉnh Hải Dương.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em, trong đó có quyền sống, quyền được bảo vệ, chăm sóc... Pháp luật nghiêm cấm hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Cụ thể, Điều 6, Luật Trẻ em năm 2016 nghiêm cấm các hành vi: "Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em". Người nào vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt, Điều 151, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội "Mua bán người dưới 16 tuổi”, trong đó người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo luật sư Thái, hành vi buôn bán người là hành vi mua bán có thể được sử dụng dưới hình thức dùng tiền hoặc một số phương thức thanh toán khác như vàng, ngoại tệ… để thực hiện mục đích mua bán người như một loại hàng hóa. Người thực hiện hành vi này có thể là người thực hiện vào một hoặc toàn bộ quá trình mua bán, vận chuyển, chuyển giao và nhận người hay đe dọa sử dụng vũ lực, ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hoặc lợi dụng tình trạng dễ tổn thương hay bằng việc đưa nhận tiền hay đổi lợi nhuận để đạt được mục đích của người đang kiểm soát trái phép những người khác…

“Qua vụ việc này cho thấy một số đối tượng xấu chỉ vì mưu cầu lợi ích cá nhân, vì tính ích kỷ của bản thân mình mà sẵn sàng vi phạm pháp luật. Các đối tượng có hành vi phạm tội "Mua bán người" nhận thức được đầy đủ hành vi của mình là trái với quy định pháp luật, gây nguy hiển đến trật tự, an ninh, xã hội. Vì vậy, cần phải chế tài mạnh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, luật sư Thái kiến nghị.

Bắt 3 đối tượng có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi
Cầu cứu nhưng lại bị người quen của bố lừa bán
Kịp thời giải cứu 2 cháu bé bị dụ dỗ đi làm "việc nhẹ lương cao”

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.