Bảo đảm nguồn cung tiêu dùng cho người dân Hà Nội từ nay đến cuối năm

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc (GĐ) Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng 10/2023, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hóa địa phương vào Hà Nội để bảo đảm nguồn cung tiêu dùng cho người dân Hà Nội, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Người dân đang mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long     Ảnh: Nguyễn Đăng
Người dân đang mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng

Theo Bộ Công Thương, 9 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua trên thị trường hiện nay đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Được dự báo nhu cầu người tiêu dùng sẽ tăng khoảng 10% trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, hiện nay các địa phương, đặc biệt là 5 thành phố (TP) lớn trực thuộc Trung ương đã lên kế hoạch cụ thể để sớm triển khai Chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Sang tháng 10, các siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội đã trực tiếp làm việc với các DN tại các địa phương để chốt số lượng các mặt hàng rau củ quả, thịt, bánh kẹo, vốn được mua nhiều trong dịp cuối năm. Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết: "Để chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm, TP đã tổ chức đưa đoàn DN đến Tây Ninh làm việc để kết nối sản phẩm của Tây Ninh vào thị trường Hà Nội. Đồng thời chuẩn bị nội dung ký kết cho sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội đầu tháng 10/2023".

Bên cạnh việc tiếp tục kết nối cung cầu đưa hàng hóa địa phương vào TP, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô; đồng thời mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. Cùng với đó, sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh TP vào các điểm bán này.

Mặt khác, TP Hà Nội đã nỗ lực triển khai rất nhiều những giải pháp, trong đó có những giải pháp kích cầu tiêu dùng, TP đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai, xây dựng chương trình kích cầu trên địa bàn TP Hà Nội với hơn 100 sự kiện sẽ triển khai đồng loạt trong năm 2023.

Đặc biệt, “tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN đưa ra các chương trình khuyến mại tập trung, các chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP Hà Nội để giúp các DN vượt qua được khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ…"- ông Hiệp thông tin.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ: Bộ Công Thương sẽ có những chỉ đạo với UBND các tỉnh TP và Sở Công Thương để đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Đồng thời, khuyến nghị các sở Công Thương cần sớm đăng ký các mặt hàng thế mạnh của địa phương, sản lượng cụ thể để chủ động điều phối tiêu thụ, tránh tình trạng lãng phí, gây thất thoát rủi ro cho DN và bà con nông dân.

Đặc biệt, nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng, dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ. Cùng với đó, chỉ đạo các DN giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán… nhằm phân phối hàng hóa cho thị trường với giá cả hợp lý.

Hà Nội: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 đạt 63,7 nghìn tỷ đồng
Hà Nội: Thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ và cân đối cung cầu
Thị trường tiêu dùng Hà Nội đang dần khởi sắc và phát triển

Phúc Nguyễn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.