Cây xanh đô thị đang bị “giảm tuổi thọ” bởi...

Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Thủ đô, hàng loạt cây xanh bị đóng đinh vào thân cây để treo bảng biển quảng cáo. Điều này làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển tự nhiên của cây.
Việc đóng đinh, treo các quảng cáo vào thân cây xanh xuất hiện nhiều trên các tuyến phố
Việc đóng đinh, treo các quảng cáo vào thân cây xanh xuất hiện nhiều trên các tuyến phố.

Mặc dù cây xanh đô thị có nhiều giá trị và lợi ích cả về vật chất, tinh thần và cải thiện khí hậu, nhưng chúng vẫn chưa được sự quan tâm đúng mực của cộng đồng và xã hội. Nhiều người dân còn sử dụng cây xanh cho nhiều mục đích khác nhau, nhằm phục vụ cho các hoạt động của bản thân như: làm biển quảng cáo, đóng đinh hay các vật sắc nhọn; thậm chí bị bức tử, bê tông hóa hố trồng cây diễn ra khá phổ biến trên toàn TP…

Ghi nhận tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, hàng loạt cây xanh bị đóng đinh để treo biển hiệu cho các hàng quán. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng tới việc phát triển của cây mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Theo quan sát, việc đóng đinh, treo quảng cáo vào thân cây xanh xuất hiện nhiều ở các tuyến phố Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, đường Láng, đường Bưởi,...

Việc dùng đinh sắt tác động đến thân cây sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây
Việc dùng đinh sắt tác động đến thân cây sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.

Bác Đàm Quốc Hùng (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, tình trạng đóng đinh vào cây xà cừ trên đường Láng để treo biển quảng cáo đã diễn ra từ lâu, thỉnh thoảng tôi thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra, tháo dỡ. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian tình trạng này lại tái diễn. Theo bác Hùng những tấm biển quảng cáo treo ở cây xanh được đóng đinh rất tạm bợ nếu gặp mưa to, gió lớn có thể bung, rơi bất cứ lúc nào gây nguy hiểm cho người đi đường.

Các chuyên gia đô thị nhận định, hành vi đóng đinh, treo biển quảng cáo trên cây xanh không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn có thể gây nguy hiểm khi có những bảng biển có dấu hiệu lỏng lẻo, cùng những đường dây điện chằng chịt. Đặc biệt, tình trạng này đang gây ra lo ngại khi ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển tự nhiên của cây xanh.

Đại diện Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, để giải quyết triệt để "vấn nạn" đóng đinh, treo biển quảng cáo trên cây xanh cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị, ban ngành. Tại các tuyến phố là điểm "nóng" về vấn đề này Cty thường xuyên phối hợp cùng các ban ngành địa phương để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý người vi phạm hiện đang gặp khó khăn.

Cây xanh đô thị đang bị “giảm tuổi thọ” bởi...
Ngoài ra, những chỗ bị đóng đinh sẽ là nơi sâu bệnh phát triển, phá hủy cây
Ngoài ra, những chỗ bị đóng đinh sẽ là nơi sâu bệnh phát triển, phá hủy cây.

Thực tế, khi bị đóng đinh treo biển quảng cáo, những vết thương từ một chiếc đinh nhỏ có thể lan ra thành những vấn đề lớn khi cây xanh phải cùng lúc gồng gánh nhiều nhiệm vụ không phải của mình. Đáng lo ngại, những biểu hiện lỏng lẻo, dây điện chằng chịt hay sự mục ruỗng âm ỉ từ bên trong có thể gây ra nguy hiểm không chỉ cho cây xanh, mà còn cho cả an toàn giao thông, đặc biệt khi mùa mưa đang tới gần.

Còn PGS TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định tiểu thương, người dân có hành vi đóng đinh, treo biển quảng cáo trên cây xanh là những người thiếu ý thức trong việc tôn trọng và bảo vệ môi trường. Những người này thường có tính "tùy tiện" và suy nghĩ của chung có thể thoải mái sử dụng, chiếm cứ, thậm chí là phá hoại.

Theo ông Đức, khi sống ở đô thị người dân phải biết giữ gìn, bảo vệ, tôn trọng môi trường chung, đặc biệt là cây xanh. Bởi cây xanh là lá phổi của TP để tạo ra không khí trong lành. Trong lúc người dân chưa tự giác để bảo vệ cây xanh, ngoài việc giáo dục, nâng cao ý thức các cơ quan chức năng cần phải xử phạt nghiêm minh.

"Biện pháp tích cực nhất về lâu về dài để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, cây xanh là giáo dục, nhắc nhở. Còn về trước mắt để việc bảo vệ cây xanh có hiệu quả là quản lý chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh", ông Đức chia sẻ.

Ảnh: Thanh Tuấn
Ảnh: Thanh Tuấn

Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng,... thì hành vi giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Còn hành vi đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh,... bị phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng.

Những chế tài xử phạt cơ bản đã có, tuy nhiên tình trạng xâm hại cây xanh diễn ra lâu nay chưa được khắc phục. Để chấn chỉnh tình trạng này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị cho rằng, để công tác quản lý, bảo vệ cây xanh đem lại hiệu quả lâu dài cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan. Chính quyền địa phương cầ tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại cây xanh, đặc biệt với các hành vi gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hệ thống cây xanh.

Ngoài vai trò của chính quyền, cần tuyên truyền sâu đậm hơn nữa đến người dân và cộng đồng về công tác chăm sóc, quản lý cây xanh. Mỗi người chung tay bảo vệ cây xanh mọi nơi, mọi lúc sẽ là cách làm hiệu quả nhất.

PGS.TS. Trần Ngọc Hải, giảng viên cao cấp tại Trường ĐH Lâm nghiệp, cho biết: “Đóng đinh vào cây tạo ra vết thương không thể khắc phục. Điều đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, khả năng chống chịu của cây sẽ yếu đi, dẫn đến sâu bệnh thâm nhập thông qua vết thương đó. Về lâu dài, xung quanh đó là những tế bào chết. Những tế bào chết đó sẽ mở rộng dần và tạo ra sự mục ruỗng gây đổ cây sau này”.
Hà Nội ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị
Hà Nội trồng mới 500.000 cây xanh đô thị gắn với các tiêu chí đô thị thông minh và hiện đại
Tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.