Văn hóa đọc với người Hà Nội

Trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng, văn hóa đọc đã góp một phần đắc lực trong việc hình thành nên diện mạo của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Văn hóa đọc với người Hà Nội
Văn hoá đọc vẫn lan toả trong giới trẻ. Ảnh minh hoạ: Khánh Huy

Nếu so sánh với các tỉnh, TP trong cả nước, Hà Nội là nơi văn hóa đọc được quan tâm phát triển nhất. Không có một nơi nào trên đất nước Việt Nam có nhiều thư viện, nhà sách và nhà xuất bản như ở Hà Nội. Người dân Hà Nội tự hào là nơi có Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện đẹp và lớn nhất của cả nước.

Trước đây, khi cần tìm kiếm thông tin, các bạn trẻ phải đến các thư viện, hiệu sách để đọc sách thì ngày nay Internet đã trở thành công cụ hữu hiệu và tiện ích để tra cứu thông tin, vì thế văn hóa đọc đang trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi mạng Internet, các phương tiện truyền thông đại chúng, các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Tiktok, Instagram…

Mặc dù văn hóa đọc tuy bị lấn át bởi các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng còn rất nhiều bạn trẻ ở Thủ đô vẫn tích cực truyền cảm hứng đọc sách đến với cộng đồng, cộng đồng và cá nhân đang nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị của sách. Minh chứng là ngày càng có nhiều những mô hình hay nhằm phát triển văn hóa đọc và lan tỏa tình yêu với sách đến các thế hệ. Và thực sự những mô hình này đã và đang có những hiệu ứng rất tích cực, được các bạn trẻ và cả xã hội đón nhận.

Hẳn là những người yêu sách tại Hà Nội thời gian gần đây đều đang rất thích thú với mô hình sách "tổ̉ chim" tại các quán cà phê - những tủ sách được thiết kế theo hình dáng ngôi nhà nhỏ như những tổ chim và được phục vụ miễn phí đối với mọi độc giả và các đầu sách ở đây cũng thường xuyên được làm mới và phục vụ nhiều nhu cầu của bạn đọc.

Bên cạnh việc trao đổi sách, những hoạt động chia sẻ về sách khá tự do để các bạn trẻ có thể thoải mái nói lên những suy nghĩ của mình về cuốn sách họ đang đọc là hình thức rất hay để các bạn trẻ có cùng đam mê kết nối với nhau.

Không chỉ ở các quán cà phê, hình thức đổi sách miễn phí này ngày càng lan rộng đến các trường học, câu lạc bộ tại các trường ĐH hay một số thư viện công cộng. Các cuốn sách cũ trở nên có giá trị hơn khi được sang tay một “người chủ” mới.

Tại các khu dân cư, tổ dân phố tại Hà Nội, phát triển văn hóa đọc trong lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên rất được quan tâm.

Quận đoàn Tây Hồ (Hà Nội) đã phát động và xây dựng 2 công trình “Tủ sách cho em” với hơn 5.000 đầu sách, báo, truyện tại 2 toà chung cư trên địa bàn phường Phú Thượng, Thụy Khuê. Đoàn Thanh niên cơ quan Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Đoàn phường Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) cũng mới tổ chức khánh thành công trình "Tủ sách cộng đồng" tại tổ dân phố số 18. Hay tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), “Tủ sách thiếu nhi ở khu chung cư” cũng được Đoàn Thanh niên từ quận đến cơ sở chú trọng thực hiện.

Đặc biệt, Hà Nội có một tuyến phố dành riêng cho sách (Phố sách, quận Hoàn Kiếm) là không gian văn hóa, sinh hoạt giáo dục truyền thống, điểm hẹn được yêu thích của đông đảo người dân và du khách, nhất là vào các dịp cuối tuần, các ngày nghỉ lễ, Tết.

Nhiều năm nay, đây là địa điểm giới thiệu sách uy tín của Thủ đô, trở thành điểm gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, các nhà xuất bản và là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu sách, phát triển văn hóa đọc chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước.

Chúng ta cùng nhau vun đắp, lan tỏa tình yêu với sách thông qua những hoạt động, những địa chỉ giao lưu, kết nối cũng là cách thể hiện tình yêu Hà Nội ngàn năm văn hiến.

“Thư viện trên đá” chở yêu thương về với trẻ nhỏ vùng cao
Thư viện trên đá đầu tiên của các em nhỏ vùng cao
Hà Nội miễn phí sử dụng thư viện để khuyến khích, phát triển văn hóa đọc

Mai Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.