Khi tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản: Có giải pháp điều chỉnh phù hợp nhằm gỡ khó

Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm gỡ khó khăn khi tiếp cận tín dụng của DN bất động sản.
Ảnh minh họa Khu đô thị Tây Hồ Tây. Ảnh: Nguyễn Đăng
Ảnh minh họa Khu đô thị Tây Hồ Tây. Ảnh: Nguyễn Đăng

Cuộc họp diễn ra ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DN. Theo đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 06 và những điểm bất hợp lý của Thông tư 03.

Trong đó, đáng chú ý nhất là những “tranh cãi” khi Thông tư 06 có hiệu lực từ đầu tháng 9 tới đây, bổ sung thêm nhiều quy định cấm cho vay khiến các DN bất động sản phản ứng. Một trong số đó là yêu cầu tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay”.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của NHNN về các nội dung liên quan đến Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN, đại diện các hiệp hội, DN bất động sản cùng các bộ ngành, NHNN đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến quy định tại khoản 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 8, Thông tư 39), Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đại diện Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng khẳng định Thông tư 06/2023/TT-NHNN “không siết điều kiện vay vốn”.

Đại diện các Hiệp hội cũng bày tỏ đồng tình với NHNN cần triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tránh tình trạng sở hữu chéo, cho vay đối với DN nội bộ, DN sân sau. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, khoản 8, Điều 8, Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Thông tư 06/2023/TT-NHNN cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn, để tránh gây ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường của DN bất động sản trong đầu tư, mua bán, sáp nhập, góp vốn, tái cơ cấu...

Các ý kiến trao đổi về các cụm từ: “dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” (khoản 9); “bù đắp tài chính” (khoản 10); đề nghị NHNN xem xét kéo dài thời gian “dưới 12 tháng” (quy định tại khoản 10) lên thành 24 hoặc 36 tháng cho phù hợp với hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN bất động sản, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại…

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao đại diện các Bộ ngành, DN, hiệp hội đã rất cầu thị, trao đổi thẳng thắn để làm rõ bản chất vấn đề cần xử lý. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, luôn lắng nghe phản ánh từ thực tế để kịp thời có những chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng DN ổn định và phát triển bền vững, trong đó có DN bất động sản. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đối với NHNN có hai chức năng, thứ nhất là điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thứ hai là đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng.

Sau khi ban hành 2 thông tư trên, có nhiều nội dung được đánh giá cao. Tuy nhiên cũng còn những nội dung các DN, hiệp hội có ý kiến. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN Việt Nam căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao cũng như tình hình thực tế… nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của DN, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho DN bất động sản trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên cũng cần đảm bảo an toàn hệ thống và đúng theo những quy định tại Luật các tổ chức tín dụng đó là cho vay khi đảm bảo 3 điều kiện: Dự án hợp pháp, có khả năng trả nợ và đúng mục đích sử dụng.

Cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn của dự án
Bán căn hộ qua đấu giá trực tuyến, doanh nghiệp chênh hơn 4 tỷ đồng
Nâng cao hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản

Phúc Nguyễn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.