"Cô đồng bổ cau" có thể đối mặt án phạt nào?

Theo luật sư, với hành vi đưa thông tin gian dối để nạn nhân nộp số tiền 180 triệu đồng làm lễ, "cô đồng bổ cau" ở Hải Dương có thể đối mặt khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
“Cô đồng bổ cau” Trương Thị Hương trở nên nổi tiếng nhờ các video bổ cau, xem bói Ảnh chụp màn hình

“Cô đồng bổ cau” Trương Thị Hương trở nên nổi tiếng nhờ các video bổ cau, xem bói. Ảnh cắt từ clip

Mới đây, Chỉ huy CA thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết, CQ CSĐT vừa khởi tố, bắt tạm giam bị can Trương Thị Hương, SN 1986, trú tại thị xã Kinh Môn để tiếp tục điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo CQCA, ngày 6/12/2022, anh Trần Thế X cùng mẹ đẻ đến nhà Hương ở phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, để xem bói. Tại đây, Hương nói nhà anh X đang có vận hạn, muốn giải quyết cần làm lễ giải. Hương gợi ý với anh X giá làm lễ là 270 triệu đồng. Khi anh X trình bày hoàn cảnh gia đình, Hương giảm giá xuống còn 180 triệu đồng. Hương hứa sau khi làm lễ xong, ngày 28/12/2022 gia đình anh X sẽ bán được nhà. Chiều 9/12/2022, anh X cùng Hương đi Lạng Sơn để cúng lễ.

Không như lời hứa trước đó của Hương, anh X không bán được nhà. Nghĩ bị lừa, anh X đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trương Thị Hương tới CQCA. Tiếp nhận thông tin, ngày 9/2, CA thị xã Kinh Môn phạt cô đồng Hương 7,5 triệu đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Đến ngày 22/6, CQ CSĐT CA Thị xã Kinh Môn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174, khoản 2, BLHS năm 2015.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, trong xã hội hiện nay, tất cả mọi người không phân biệt giới tính, dân tộc, độ tuổi đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này được ghi nhận tại Hiến pháp là luật cơ bản của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Ngoài ra, Hiến pháp cũng có quy định rất rõ ràng rằng không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số đối tượng đã lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của một số cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Thái, trong vụ việc trên, nếu CQĐT qua xác minh được "cô đồng" có hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật, thông tin không có thật làm cho người khác tin tưởng nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoặc tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính thì việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, BLHS năm 2015 là hoàn toàn có cơ sở và đúng quy định của pháp luật.

Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo quy định tại khoản 5 Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư cho biết, đối với số tiền lừa đảo được thì đây là vật chứng của vụ án được quy định tại Điều 89, BLTTHS năm 2015 và cơ quan điều tra sẽ yêu cầu người thực hiện hành vi lừa đảo nộp lại số tiền trên. Vật chứng là số tiền do bị cáo phạm tội mà có sẽ được xử lý theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 106, BLTTHS năm 2015. Theo đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

Ngoài số tiền bị lừa đảo, người bị hại có những thiệt hại khác mà những thiệt hại đó có tài liệu chứng cứ để chứng minh có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng buộc người thực hiện hành vi lừa đảo bồi thường thiệt hại trên cho mình trong cùng vụ án hoặc khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của BLDS và BLTTDS.

Bị can Trương Thị Hương vừa qua nổi tiếng trên mạng xã hội với việc bổ cau xem bói và câu nói cửa miệng "đúng nhận, sai cãi". Trương Thị Hương còn được gọi là “cô đồng” Trương Hương, bị người dân tố cáo đến CQCA về việc nhận 180 triệu đồng để cúng bán nhà, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Công an vào cuộc vụ cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi"
Cô đồng bổ cau “đúng nhận sai cãi” bị phạt 7,5 triệu đồng
Lý do khiến cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi" bị bắt tạm giam

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.