Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ tư pháp cơ sở

Đó là kiến nghị của các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở thực hiện tốt công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ tư pháp cơ sở
Phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) với “điểm sáng” từ mô hình “5 thủ tục, 5 giải quyết tại chỗ” đem lại sự hài lòng cho người dân. Ảnh: Mộc Miên

Cán bộ tư pháp phải kiêm nhiệm nhiều “đầu việc”

Thông thường, cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch là đầu mối tham mưu, giúp UBND Chủ tịch xã, phường, thị trấn hướng dẫn theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Do phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, phần việc, chưa được tập huấn nhiều về quy trình rà soát, đánh giá, công nhận cấp xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cùng với tiêu chí xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có phạm vi rất rộng nên khối lượng công việc của mỗi cán bộ tư pháp - hộ tịch khá cao.

Ngoài công việc chuyên môn, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn còn phân công nhiệm vụ kiểm soát, tổng hợp, thiết lập hồ sơ trình UBND cấp quận, huyện để phê duyệt công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Bộ hồ sơ công nhận đạt chuẩn pháp luật gồm: Công văn; Danh mục tài liệu kiểm chứng; Bảng tổng hợp kết quả đánh giá sự hài lòng của công dân; Báo cáo đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm; Biên bản cuộc họp đánh giá của các ban ngành, đoàn thể địa phương.

Đồng hành với các hoạt động tổ hòa giải tại cơ sở, ngoài nắm bắt thông tin số lượng vụ việc mâu thuẫn xảy ra, số vụ việc hòa giải thành, cán bộ tư pháp còn thống kê số lượng hàng tháng, hàng quý, hàng năm để tổng hợp, báo cáo.

Trên thang điểm đánh giá tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở gắn với tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội, tình hình vi phạm pháp luật và đời sống của người dân, bởi vậy, các cán bộ cơ sở làm công tác tham mưu, góp ý xây dựng chương trình tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức, mô hình phù hợp thực tiễn.

Trong đó là các nội dung thiết thực, lợi ích hợp pháp của người dân như: Đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, bình đẳng giới và các quy ước tại địa bàn dân cư, tổ dân phố.

Thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong cải cách thủ tục hành chính, cán bộ tư pháp là “hạt nhân” tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở.

Phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) với “điểm sáng” từ mô hình “5 thủ tục, 5 giải quyết tại chỗ” đã góp phần tạo hiệu quả trong công tác Cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước. Nhờ đó, chỉ số rất hài lòng của người dân đạt 96,55 %, trong đó có 3,45% đánh giá hài lòng.

Mô hình “Đội hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) với sự tham gia của cán bộ tư pháp, cán bộ hành chính tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ.

"Gỡ" khó cho cán bộ cơ sở

Trong báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) năm 2022, kết quả thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật có 5/5 tiêu chí tiếp cận pháp luật đạt từ 50% trở lên tổng số điểm tối đa. Tổng số điểm đạt 99/100 điểm và tiếp tục trở thành phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhiều năm liên tiếp.

Theo đồng chí Đặng Thành Công, Chủ tịch UBND phường Điện Biên, có được kết quả trên nhờ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tại phường được chú trọng, quan tâm.

Mỗi cán bộ, công chức UBND phường, cán bộ cơ sở, nhân dân trên địa bàn được tiếp cận và nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nghiêm túc tổ chức thực hiện Quyết định 619/2017/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay từ đầu năm, UBND phường đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 10/1/2022 trọng tâm công tác tư pháp năm 2022; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 4/1/2022 về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn phường Điện Biên năm 2022.

Trong quá trình triển khai, Chủ tịch UBND phường Điện Biên họp các bộ phận chuyên môn, Công an phường, MTTQ phường triển khai kế hoạch, phân công nhiệm vụ chấm điểm phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo bộ phận tư pháp phường kiểm soát, tổng hợp, thiết lập hồ sơ trình UBND quận Ba Đình phê duyệt, công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh điều kiện thuận lợi vẫn tồn tại thực trạng đó là nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội nên việc phối hợp đồng bộ, đánh giá thống nhất, toàn diện cần thêm quỹ thời gian thực hiện và tinh thần trách nhiệm cao.

Nhằm “gỡ” khó cho công tác xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chủ tịch UBND phường Điện Biên nêu kiến nghị, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức xã, phường, thị trấn.

Là cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Mai Hiên mong muốn cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ tư pháp và tổ chức nhiều buổi hội nghị, tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ phụ trách.

Việc chú trọng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ tư pháp trong triển khai nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định 619/2017/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ tại các cấp cơ sở.

“Đo” sự hài lòng của người dân làm tiêu chí để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật “Đo” sự hài lòng của người dân làm tiêu chí để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều khoảng “trống” Công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều khoảng “trống”

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.