Lọt đề thi từ đâu và bịt kẽ hở thế nào?

Chuyên gia pháp lý cho biết, người nhận được đề thi rồi tiếp tục phát tán trên mạng Internet cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Lực lượng công an đề nghị các trường đẩy mạnh việc phổ biến quy chế thi, cách nhận diện các thiết bị gian lận thi cử cho giáo viên, học sinh
Lực lượng công an đề nghị các trường đẩy mạnh việc phổ biến quy chế thi, cách nhận diện các thiết bị gian lận thi cử cho giáo viên, học sinh.

Vì sao năm nào cũng có vi phạm?

Trước câu hỏi về phương án xử lý 2 thí sinh vi phạm phát tán đề ra sao, có nên tăng nặng mức độ xử lý thay vì chỉ dừng lại ở mức đình chỉ thi theo như quy chế, Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho hay, công an sẽ căn cứ kết quả xác minh, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả, cùng đó xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xác định mức độ vi phạm.

Nếu hành vi đó đến mức phải xử lý hình sự, sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật của Nhà nước. Nếu không, sẽ xử lý hành chính theo Nghị định 144 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội. Vấn câu hỏi là để có hình ảnh đề thi được "tuồn" ra bên ngoài, phải có người "móc nối" để tiếp nhận, hỗ trợ, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, CQCA đã nhanh chóng phối hợp xác minh ở các địa phương xảy ra và cũng đã xác định được những người kết nối ở bên ngoài.

Thực tế, những năm qua Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn cụ thể trong tập huấn nghiệp vụ về thi. Việc kiểm tra niêm phong các túi đề thi khi giao cho giám thị và giám thị chọn 1-2 thí sinh trong phòng thi chứng kiến niêm phong còn nguyên trên túi đề thi trước khi mở là quy định bắt buộc.

Các trường hợp để lọt đề do thí sinh cố ý vẫn là nguy cơ khó kiểm soát triệt để nhất. Theo quy chế, thí sinh mang theo thiết bị có chức năng gửi và nhận thông tin, điện thoại di động đều bị xử lý kỷ luật mức cao nhất là đình chỉ thi, hủy kết quả đã thi. Nhưng năm nào cũng có tình trạng thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Từ năm 2022, A03 và A06 (Bộ Công an) đã cảnh báo về hình thức gian lận tinh vi, thường là có tổ chức để kết nối giữa thí sinh với đối tượng bên ngoài khu vực thi. Những thiết bị mini, ngụy trang trong hoa tai, nhẫn, vòng cổ, đồng hồ, cúc áo, giấu trong bút, máy tính bỏ túi... được thí sinh mang vào phòng thi có chức năng kết nối với một thiết bị trung gian để trong đồ dùng, tư trang của thí sinh ở ngoài phòng thi.

Bịt kẽ hở ra sao?

Theo ThS Phạm Thái Sơn - GĐ Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, những vụ đề thi lọt ra ngoài ngay trong thời gian đang diễn ra kỳ thi không phải mới xảy ra năm nay.

"Điều này cho thấy dù các hội đồng thi đều thực hiện nghiêm các quy định để ngăn chặn gian lận thi cử nhưng vẫn có thí sinh cố tình mang điện thoại vào phòng thi để chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận trong các sự vụ này, cán bộ coi thi đã thiếu kinh nghiệm hoặc không làm tròn trách nhiệm khi để thí sinh cố tình gian lận. Để khắc phục, cần lựa chọn người tham gia coi thi phải có năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm và được tập huấn kỹ", ông Sơn đề nghị.

Trong khi đó, nhiều cán bộ khảo thí nhận định khả năng lọt đề thi trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT do thí sinh cố tình gian lận bằng thiết bị công nghệ cao không thể loại trừ và rất khó phát hiện. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nêu ý kiến: "Với các gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, cán bộ coi thi là giáo viên bình thường sẽ rất khó phát hiện triệt để. Muốn ngăn chặn việc này, có thể thực hiện dùng máy quét an ninh để kiểm tra các thí sinh trước khi vào phòng thi. Hai năm qua, Trường ĐH Sư phạm TP HCM đã áp dụng việc này trong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường và rất hiệu quả".

ThS Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM) còn cho rằng ngoài hành vi gian lận thi cử, tội phạm công nghệ cao thì việc chủ quan, mất cảnh giác của chính những người làm việc phục vụ công tác tổ chức thi cũng là nguy cơ lớn.

"Các trường, hội đồng thi cần hướng dẫn kỹ cho thí sinh việc để lộ lọt đề thi, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật nhà nước để răn đe, ngăn ngừa hành vi này", ông Quán kiến nghị.

Chế tài xử phạt

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, khi thông tin đề thi đã được bóc, mở niêm phong, phát cho các thí sinh để làm bài theo quy định của quy chế thi, đề thi này không còn là tài liệu mật thuộc dạng tuyệt mật.

Tuy nhiên, đề thi vẫn phải được bảo mật theo quy chế kỳ thi tốt nghiệp. Theo đó, quy chế thi quy định, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài và phải nộp lại đề thi. Trường hợp thí sinh phát tán đề thi ra bên ngoài, đây là hành vi vi phạm quy chế, người nhận được đề thi rồi tiếp tục phát tán trên mạng Internet cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Nguyên, đến thời điểm này cơ quan chức năng đã phát hiện được danh tính của học sinh đã phát tán đề thi ra bên ngoài. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ người tiếp nhận đề thi này là ai và có chủ đích hay không. Đồng thời làm rõ người phát tán thông tin này lên mạng xã hội là ai, với mục đích gì và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Rất may là các đề thi đã được công bố và bước đầu xác định việc lộ lọt đề không ảnh hưởng đến hoạt động thi của điểm thi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục làm rõ có sự cấu kết giữa thí sinh với những người bên ngoài để thực hiện các hoạt động gian lận thi cử hay không.

Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính tới 15 triệu đồng và tới 30 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 2, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ có việc cấu kết, giúp sức của những người có chức vụ quyền hạn đối với việc tổ chức kỳ thi này hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ gây thiệt hại đến uy tín của ngành giáo dục, của Nhà nước, có thể xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể", luật sư Nguyên thông tin.

Vụ lộ đề thi môn Văn: Hành vi là lộ hay lọt đề thi?
Thí sinh chụp đề thi gửi ra ngoài: Trong trường hợp phải xử lý hình sự sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật
Cặp đôi làm lộ đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT bị xử lý như thế nào?

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.