Hà Nội: Nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật

Thực hiện các Kế hoạch của UBND TP Hà Nội về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP năm 2023; Tiếp tục tăng cường tuyên truyền thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng PHPBGDPL TP vừa tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin cho các báo cáo viên cấp TP và quận, huyện, thị xã.
-	Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL TP, PGĐ Sở Tư pháp TP phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL TP, PGĐ Sở Tư pháp TP phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL TP, PGĐ Sở Tư pháp TP cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm củng cố, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật TP Hà Nội, được kiện toàn theo Quyết định số 2710/QĐ-UBND ngày 12/5/2023 của UBND TP Hà Nội) và báo cáo viên pháp luật quận, huyện, thị xã.

Tiến sỹ Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo viên của Hội nghị giới thiệu nội dung cơ bản của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó Luật nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật; mục đích, quan điểm xây dựng Luật; những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật; Luật tiếp cận thông tin năm 2016…

Ngày 10/11/2022, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (443/455/498 đại biểu, chiếm 97,36% số đại biểu có mặt và 88,96% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ban hành năm 2022 với mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước;

Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. đồng thời cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định cụ thể và đầy đủ phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để mọi người dân được phát huy quyền làm chủ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tiến sỹ Nguyễn Quỳnh Liên đã nêu những điểm mới của Luật và phân tích các chương, điều trong Luật để các báo cáo viên nắm được. Theo đó, Luật có 6 Chương, 91 Điều. Trong đó, Chương I những quy định chung của Luật gồm có 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10) quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng của Nhân dân, các biện pháp bảo đảm, các hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, bên cạnh việc kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Chương II của Luật quy định về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, gồm có 35 điều (từ Điều 11 đến Điều 45); Chương III của Luật quy định về Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, gồm có 18 điều (từ Điều 46 đến Điều 63); Chương IV của Luật quy định về Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, gồm có 19 điều (từ Điều 64 đến Điều 82).

Chương V của Luật quy định về Tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm có 07 điều (từ Điều 83 đến Điều 89), quy định cụ thể về: (1) Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện và tổ chức thực hiện Luật; (2) Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, HĐND và UBND cấp xã trong tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở trên phạm vi địa phương; (3) Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức CT-XH trong việc tham gia, hỗ trợ và làm nòng cốt để Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chương VI của Luật quy định về Điều khoản thi hành, gồm có 02 điều (từ Điều 90 đến Điều 91), trong đó quy định thời điểm có hiệu lực của Luật (từ ngày 01/7/2023); áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp…

Qua Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL TP, PGĐ Sở Tư pháp TP đề nghị các báo cáo viên cấp TP và cấp quận, huyện, thị xã vận dụng vào thực tế công tác, tiếp tục thực hiện tuyên truyền, triển khai sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn mình bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Hà Nội sáng tạo trong tổ chức tuyên truyền phòng chống tham nhũng trong thời điểm dịch Covid
Quận Long Biên kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.