Hòa giải viên "chuyên trị" những mâu thuẫn đất đai

Trong 10 năm làm công tác hòa giải, đối với bác Nguyễn Mạnh Hải, tổ trưởng Tổ dân phố số 6 phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), đau đầu nhất đối với hòa giải viên là các mâu thuẫn liên quan đến đất đai.
Hòa giải viên
Bác Nguyễn Mạnh Hải, tổ trưởng TDP số 6 phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội)

Sinh năm 1957, vốn là bộ đội chuyển ngành sang làm công nhân, nên tác phong dứt khoát, kiên quyết nhưng không kém phần mềm dẻo vẫn thể hiện rất rõ trong các công việc bác làm. Bác Hải chia sẻ, làm công nhân đến tuổi nghỉ hưu, bác bắt đầu tham gia công tác xã hội ở tổ dân phố, cũng tham gia công tác hòa giải từ đó.

Theo bác, trong công tác hòa giải, những vấn đề khó giải quyết nhất vẫn là những vấn đề về đất đai. Trước kia, khi mà Long Biên còn chưa lên quận, những xô xát, tranh chấp cũng có nhưng chỉ là những vấn đề lặt vặt, dễ giải quyết. Thế nhưng khi đã lên quận, cơ sở hạ tầng được đầu tư, giá đất tăng, cũng như các vấn đề về dân trí, nhận thức cũng nâng cao đồng nghĩa với các mâu thuẫn lại càng… phức tạp hơn.

Bác Hải bảo, làm công tác hòa giải điều tối quan trọng là làm sao giải quyết các vấn đề cho thấu tình đạt lý, tránh bức xúc, tranh chấp kéo dài dẫn đến vượt cấp. “Cũng có nhiều sự việc kéo dài đến hàng vài tháng, tính chất sự việc cũng không đơn giản đòi hỏi những hòa giải viên ngoài việc kiên trì còn phải có những hiểu biết nhất định về luật pháp cũng như tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện cho thấu tình đạt lý…”

Bác Hải nhớ nhất câu chuyện xảy ra giữa hai nhà sát nhau ở ngõ 68, tổ 6 phường Ngọc Thụy diễn ra vào hồi tháng 7/2022. Vốn là hai mảnh đất liền kề, mảnh trong và mảnh ngoài. Và mảnh trong xây nhà trước. Do thời điểm xây có hạn chế về kỹ thuật nên khi xây nhà căn nhà có nghiêng sang mảnh bên ngoài. Đáng lẽ hàng xóm láng giềng nhẹ nhàng bảo nhau rồi tìm cách giải quyết êm xuôi, thì người sở hữu mảnh ngoài đã làm ầm ĩ và đòi nhà đang xây bồi thường cho vài chục triệu.

Câu chuyện trôi qua đã lâu, ngôi nhà xây xong, gia đình nhà trong đã ăn ở ổn định. Và mới đây, nhà còn lại mới tiếp tục xây dựng. Không nóng vội như nhà ngoài đã cư xử với gia đình mình trước đó, cả quá trình từ đào móng, xây móng đến để trần… căn bên trong yên tĩnh, bình ổn như không hề có chuyện gì xảy ra.

Cho đến khi nhà bên ngoài sắp sửa hoàn thiện, lúc này nhà trong mới mời địa chính đến đo đạc và tuyên bố, nhà ngoài sân lấn sang phần đất nhà mình 3 - 4cm. Không chấp thuận bất cứ một phương án đền bù nào, nhà bên trong yêu cầu nhà đang xây trả lại 3 - 4cm xây lấn sang ấy.

“Trả lại lúc ấy có nghĩa là phải phá dỡ cả ngôi nhà vì nhà xây hết đất. Đã vậy, nhà kia kiên quyết không chấp thuận bất cứ phương án đền bù hay thương lượng nào, thậm chí họ còn đã thuê luật sư để chuẩn bị khởi kiện ra tòa”, bác Hải kể.

Biết rõ câu chuyện, cũng nhận thức được cái gì cũng có căn nguyên của nó. “Và thế là tổ hòa giải thay nhau tìm đến nhà bên trong để mong được gặp trực tiếp, để hòng hòa giải và tìm ra phương án tốt nhất cho hai bên. Thế nhưng, phải đến hơn 1 tháng nhà đó mới đồng ý gặp và đối chất với nhà kia để thống nhất phương án giải quyết”, bác cho biết.

Sau khi thống nhất được phương án, hai nhà mới hết mâu thuẫn và nhà trong rút đơn khởi kiện. Bác Hải kể, giải quyết được câu chuyện ấy cho nhà người ta mà đến chính bản thân bác cũng thấy “nhẹ cả người”.

“Một trường hợp nữa là trường hợp nhà số 31 và nhà số 29. Vụ này tổ hòa giải mất đến 6 tháng mới giải quyết xong”, theo bác Hải.

Câu chuyện vốn rất đơn giản như sau, nhà số 29 xây đã lâu, tuy nhiên không có móng, nên cái cảnh nhà san sát bên nhau thì không có vấn đề gì bất ổn. Nhưng thực tế, nhà số 29 đã nghiêng sang phía nhà số 31. Bên cạnh số nhà 29 là số nhà 27, vốn là một quán karaoke. Thời điểm quán karaoke xây dựng, bởi xây cao tầng lại đổ móng vững chãi, nên có tác động đến nhà số 29, kéo cái sự “nghiêng” của nhà 29 lại.

Và tiếp tục đến khi nhà số 31 xây dựng, thì khi mới chỉ đào móng, do có sự dư chấn, nhà số 29 bị nứt toác ra. Dĩ nhiên số nhà 29 đổ diệt cho nhà số 31 xây dựng khiến nhà họ bị thiệt hại và tranh cãi triền miên, thậm chí còn gây khó khăn cho việc thi công của số nhà 31.

Sự việc kéo dài đến tận 6 tháng, trong 6 tháng ấy không biết bao nhiêu lần tổ hòa giải đến gặp từng nhà đến mong giúp họ tìm được tiếng nói chung, tuy nhiên cứ đi đi lại lại mà vẫn vướng sự kháng cự của nhà số 29. Cho mãi đến khi tổ hòa giải phải mời địa chính cùng một số đại diện ban ngành liên quan xuống đo đạc, cũng như giải thích cặn kẽ thì câu chuyện mới êm.

“6 tháng tranh chấp, cãi nhau… nhưng chỉ sau hơn 1 tháng khi hiểu căn nguyên, câu chuyện này đã được giải quyết triệt để. Khi nhận thức được thì không còn cảnh nhà này yêu cầu đền bù hay làm khó nhà kia nữa, mà chỉ tìm phương án tốt nhất cho nhau”, bác Hải nhớ lại.

Đã làm công tác xã hội thì phải xác định đó là trách nhiệm với cộng đồng, chứ nếu chỉ bởi được cái này cái kia chắc chả ai muốn làm. Ai cũng biết, với nhân sự tổ hòa giải, chi phí rất thấp nếu không muốn nói là gần như không có.

“Bà nhà tôi cũng rất khó chịu về công tác của tôi chứ. Bởi câu chuyện bất kể ngày đêm có người gõ cửa gọi đi là chuyện hết sức bình thường”, bác Hải tâm sự. Thế nhưng, công việc của người “vác tù và hàng tổng” là thế. Đi hòa giải vòng quanh thiên hạ, rồi quay lại hòa giải… với chính vợ mình cũng là chuyện thường xuyên.

Tiếp tục phấn đấu là phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.