Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV

Luật chuyển đổi giới tính dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9

Trong phiên họp ngày 23/5, các Đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về các nội dung trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. “Nóng” nghị trường nhất là việc triển khai xây dựng Luật chuyển đổi giới tính…
Luật chuyển đổi giới tính dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9
Quang cảnh phiên họp ngày 23/5

Kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa đủ điều kiện, tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Để đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu cho rằng trước hết Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức việc rà soát để xem xét chặt chẽ sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp luật. Các cơ quan đề xuất cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động, phạm vi điều chỉnh. Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm rà soát trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thông qua.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ chủ trì đề xuất, Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội cùng đồng hành ngay từ giai đoạn đầu của việc đề xuất xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp, chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, đã thông qua số lượng lớn Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện đồng bộ thể chế.

Luật chuyển đổi giới tính dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành xong hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh. Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật vẫn là điều cần phải được quan tâm, chú trọng một số quy định có tính khả thi không cao, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Đáng lưu ý là trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật đi vào đời sống tồn tại nhiều tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau…

Bên cạnh đó, cần tăng cường việc giải thích pháp luật cho các quy định trong văn bản pháp luật được hiểu đúng và được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được mong mỏi của cử tri, nhân dân và doanh nghiệp cũng như đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn đời sống đặt ra.

Đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Chuyển đối giới tính

Phát biểu ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, tại phiên thảo luận từ sáng đến nay, đã có 4 ý kiến đại biểu phát biểu về nội dung liên quan đến dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đại biểu cho rằng, đây là những ý kiến góp ý rất hay và cần thiết…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, thời gian qua, đại biểu đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, góp ý, góp sức để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đặc biệt, đại biểu gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cũng như sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua. Đại biểu mong rằng, nếu được Quốc hội đồng ý chủ trương xây dựng dự án Luật này, đại biểu sẽ tiếp tục nhận được nhiều các đóng góp ý kiến, sự ủng hộ và giúp đỡ của các bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội hơn nữa.

Luật chuyển đổi giới tính dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Chuyển đổi giới tính

Về thời gian trình Dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, bản thân đại biểu muốn triển khai nhanh, tuy nhiên qua các góp ý, thấy rằng có nhiều nội dung cần xem xét, nghiên cứu kỹ, nên thời gian trình lùi xuống Kỳ họp thứ 8, và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, cũng là hợp lý.

Góp ý vào Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhận thấy, qua quy định tại Chương 2 của Hiến pháp về quyền con người và truyền thống văn hóa của Việt Nam, Luật Chuyển đối giới tính là một bước tiến dũng cảm và văn minh. Qua nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Theo yêu cầu của UBTVQH, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã thu gọn phạm vi điều chỉnh (chỉ tập trung vào 2 đối tượng là giới tính nam và nữ), tuy nhiên đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, một số đối tượng trong cộng đồng LGBT chưa được quan tâm như song giới, đồng giới…

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng và phản ánh xã hội, đại biểu nhận thấy, cộng đồng LGBT của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức như cộng đồng của LGBT trong khu vực và trên thế giới. Họ có thể vẫn còn bị kì thị và chưa phát huy hết khả năng trí tuệ của họ trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày, do đó điều này dẫn đến sự kìm hãm phát triển của xã hội. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Chuyển đổi giới tính là mở rộng thêm đối tượng cộng đồng LGBT.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mong muốn đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính thành công

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng quá trình làm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong những năm trở lại đây làm rất kỹ. Theo đó, Ủy ban Pháp luật thẩm tra, mời đại diện các cơ quan có liên quan, Bộ Tư pháp và các cơ quan, các bộ, các ngành chủ trì đề xuất đến làm việc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể và nhiều vòng.

Luật chuyển đổi giới tính dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để tham mưu cho Chính phủ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lập pháp nói chung và xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng.

Lý giải cho việc có số lượng lớn các dự án trình bổ sung vào kỳ này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung 10 luật và nghị quyết nhằm tháo gỡ một số các khó khăn vướng mắc để xử lý các công trình trong thực hiện các dự án giao thông; xử lý vấn đề về kinh phí chi thường xuyên; đề xuất bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng để kế vào Nghị quyết 42/2017/QH14 là sắp hết hạn; nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ghi nhận các đề xuất cụ thể của các đại biểu Quốc hội để chuẩn bị đề nghị.

Đặc biệt Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gửi lời chúc mừng và bày tỏ mong muốn đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí sẽ thành công; đồng thời chia sẻ một số khó khăn thách thức với đại biểu liên quan đến nội dung luật và cho biết sẽ phối hợp tích cực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ việc tăng cường phòng chống lợi ích nhóm và tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm rất nặng nề đối với các cơ quan tham mưu và đặc biệt là các cơ quan mà tham gia vào quá trình xây dựng. Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị là đối với các bộ, các ngành trong phạm vi của mình tiếp tục chủ động và chủ động hết sức quan trọng bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định ở trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giám sát thì công tác xây dựng ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6
8 dự án Luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 8 dự án Luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5
99,8% kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã được giải quyết 99,8% kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã được giải quyết

Ngọc Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.