Vẫn có những cơ hội để ngành gỗ có thể tận dụng

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã chủ trì giao ban giữa Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm đánh giá những thách thức, cơ hội và tác động của các chính sách...
Vẫn có những cơ hội để ngành gỗ có thể tận dụng
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề nghị các cơ quan đại diện và các doanh nghiệp hết sức chú trọng công tác thông tin hai chiều

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các ngành gỗ và thủy sản ngày 13/4/2023, chiều 22/5, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã chủ trì giao ban giữa Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm đánh giá những thách thức, cơ hội và tác động của các chính sách, quy định mới của các thị trường tới ngành gỗ và lâm sản và trao đổi về các giải pháp nhằm hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân và các hiệp hội, doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực gỗ và lâm sản.

Cuộc họp thống nhất đánh giá tình hình kinh tế thế giới thời gian tới tiếp tục diễn biến khó khăn, tác động sâu rộng đến các ngành, trong đó có gỗ và lâm sản. Về ngắn hạn là các khó khăn về nguồn cầu sụt giảm mạnh từ các thị trường do khó khăn về kinh tế, lạm phát, nhu cầu tiêu dùng...

Về dài hạn là các thách thức từ các chính sách, quy định mới và yêu cầu ngày càng cao của các nước, nhất là thị trường nhập khẩu chính như EU, Mỹ với Đạo luật chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), các quy định mới về chuỗi cung ứng, lao động.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp đề nghị các cơ quan đại diện hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, nhất là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á, kết nối đối tác cho doanh nghiệp.

Các bộ, hiệp hội, doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan đại diện giúp chuyển tải tới các đối tác quốc tế thông điệp về các nỗ lực, cam kết của Việt Nam về bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường của các thị trường, góp phần phát triển ngành công nghiệp gỗ bền vững; cập nhật thông tin thị trường, cảnh báo thay đổi chính sách có tác động trực tiếp đến ngành gỗ và tham mưu biện pháp ứng xử phù hợp; vận động các nước giải quyết các vụ việc điều tra, phòng vệ thương mại công bằng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Các cơ quan đại diện Việt Nam đánh giá trong bối cảnh khó khăn chung, vẫn có những cơ hội để ngành gỗ có thể tận dụng như nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như EU còn rất lớn, việc Trung Quốc mở cửa trở lại, lợi thế về mạng lưới các FTA của Việt Nam như EVFTA, RCEP… cũng như các cơ hội tại các thị trường tiềm năng như Indonesia…

Các cơ quan đại diện và các bộ, ngành đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nghiên cứu để đáp ứng trúng nhu cầu của từng thị trường, xây dựng quan hệ sâu với khách hàng, đầu tư xây dựng thương hiệu; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để bảo đảm quy mô và tính ổn định của chuỗi cung ứng; có chiến lược bài bản, chuyên nghiệp trong quảng bá, phát triển thị trường.

Về dài hạn, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư, đổi mới về công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường, chuẩn bị kỹ về thị trường và pháp lý để hạn chế các rủi ro về tranh chấp, phòng vệ thương mại, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, mã số vùng trồng hợp pháp… Các cơ quan đại diện khẳng định sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và mở rộng, phát triển thị trường.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề nghị các cơ quan đại diện và các doanh nghiệp hết sức chú trọng công tác thông tin hai chiều; cung cấp các thông tin như điều chỉnh chính sách, thông tin cảnh báo, kinh nghiệm của các nước trong ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay để kịp thời tham mưu cho các cơ quan trong nước chủ động có các biện pháp ứng xử phù hợp. Các bộ, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp gỗ, lâm sản trong nâng cao năng lực, khả năng ứng phó, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao trong thương mại, đầu tư.

Để tăng cường hiệu quả xúc tiến, quảng bá, Thứ trưởng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cung cấp cho các cơ quan đại diện những thông tin chuyên ngành, các hội chợ quy mô về gỗ để kết nối doanh nghiệp quốc tế.

Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực, nhạy bén trong hỗ trợ ngành gỗ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng và còn dư địa như Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, tận dụng quan hệ chính trị - ngoại giao để hỗ trợ giải quyết thỏa đáng các tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các cuộc họp giao ban ngoại giao kinh tế với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác thông tin hai chiều và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn của các ngành, lĩnh vực trọng điểm, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030 và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW.

Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế về hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ
“Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”
Thủ tướng Chính phủ đã có 13 cuộc làm việc

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.