Lãi suất cho vay vẫn không hạ, doanh nghiệp “méo mặt”

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản mặt bằng lãi suất thời gian qua đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong những tháng đầu năm 2023, nhưng hiện mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại vẫn còn cao.
Các DN cho rằng, lãi suất cho vay 10% như hiện nay là quá cao, DN không chịu nổi và liên tục đề xuất giảm lãi suất cho vay cũng như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn.
Các DN cho rằng, lãi suất cho vay 10% như hiện nay là quá cao, DN không chịu nổi và liên tục đề xuất giảm lãi suất cho vay cũng như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn.

Ngân hàng Nhà nước lí giải nguyên nhân do kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Sau dịch COVID-19, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167.000 tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong những tháng đầu năm 2023. Trong khi đó áp lực lạm phát trong nước (lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm ở mức 3,84%; lạm phát cơ bản tăng 4,9%; mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%).

Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao. Huy động vốn đến ngày 27/4 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%,” đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Thông tư số 02/2023/TT-Ngân hàng Nhà nước mới ban hành cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn trong khi tổ chức tín dụng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.

Ngoài ra hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

Nhìn rộng hơn, Ngân hàng Nhà nước nói nhu cầu vốn của nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng trên GDP cuối năm 2022 ở mức 125% trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, điều này tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Hiện nay, chênh lệch tiền gửi và tín dụng ở mức 167.000 tỷ đồng. Hệ số sử dụng vốn trên thị trường dân cư và tổ chức, hay còn được gọi là tỷ lệ tín dụng trên huy động vốn thị trường 1 là hơn 101%, có giảm so với mức 102% hồi cuối năm ngoái nhưng vẫn đang ở mức rất cao.

Bên cạnh đó, ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Cụ thể, 88% lượng tiền gửi của hệ thống ngân hàng là các khoản tiền gửi ngắn hạn, từ 12 tháng trở xuống nhưng trên 52% dư nợ tín dụng là trung, dài hạn. Đây cũng là một trong các lý do theo Ngân hàng Nhà nước, tạo sức ép lên lãi suất.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các doanh nghiệp (DN) hiện đang rất khó khăn và khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Các DN cho rằng, lãi suất cho vay 10% như hiện nay là quá cao, DN không chịu nổi và liên tục đề xuất giảm lãi suất cho vay cũng như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn…

Lần đầu tiên trong các quý 1 từ trước tới nay, số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Số DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường là 60.241 DN - cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường với 56.946 DN.

Ngày 9/5/2023, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhiều DN lớn hiện đang gặp nhiều khó khăn, một số DN đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán và giá bán chỉ bằng 50% giá thực. Tình trạng này gây thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, buộc các quý sau phải tăng trưởng quanh 8%.

Về khó khăn của các DN, theo Bộ trưởng Dũng, có rất nhiều vấn đề. Trong đó, đầu tiên là dòng tiền. Hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên các DN đang rất khó khăn.

Cũng tại hội nghị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận lãi suất chưa được như mong muốn của người đi vay và kỳ vọng DN thấu hiểu hơn với ngành ngân hàng. Bà Hồng bày tỏ, Ngân hàng Nhà nước rất mong muốn giải quyết được các kiến nghị từ DN và người dân, rất mong muốn giảm lãi suất và trên thực tế lãi suất đã giảm, dù chưa được như mong muốn.

Trong quý IV/2022 cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc tại các DN, sang quý I/2023, con số này tăng lên với gần 149.000 lao động bị mất việc. 55,2% lao động bị nghỉ việc thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai (khoảng gần 32.600 người), Bình Dương (21.700 người), TP HCM (19.800 người), Bắc Ninh (14.000 người), Bắc Giang (7.700 người).
Yêu cầu các ngân hàng phải ngồi lại cùng bàn tiếp tục hạ lãi suất cho vay trước dịp nghỉ lễ
Sẽ vận động các Ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp
Lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.