Cần có không gian hoạt động cả trong nhà và ngoài trời cho trẻ em

Hiện tại Hà Nội không chỉ thiếu chỗ chơi cho trẻ em, mà một số khu vui chơi còn đang bị buông lỏng quản lý. Trong khi trẻ em rất cần có không gian hoạt động cả trong nhà và ngoài trời, để rèn luyện thể chất, phát triển trí óc, hoàn thiện kỹ năng… Rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra, xử lý để bảo đảm an toàn không chỉ cho trẻ em.
Trẻ em đang ở độ tuổi hiếu động, tò mò tìm hiểu thế giới nên rất cần sân chơi an toàn
Trẻ em đang ở độ tuổi hiếu động, tò mò tìm hiểu thế giới nên rất cần sân chơi an toàn

Cần đảm bảo sự an toàn sân chơi cho trẻ

Dạo quanh các khu vui chơi ngoài trời, điều dễ nhận thấy chính là công tác đảm bảo an toàn cho trẻ chưa được coi trọng đúng mức. Tại hầu hết các địa điểm vui chơi, chỉ thấy bóng dáng của nhân viên kiểm soát vé chứ không thấy nhân viên thực hiện nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn trẻ vui chơi để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vui chơi không an toàn của trẻ và nhất là thực hiện cứu hộ khi có tình huống bất ngờ.

Tại nhiều sân chơi công cộng trong công viên như công viên Nghĩa Đô, công viên Cầu Giấy, công viên Yên Sở..., nhiều thiết bị vui chơi bị hỏng tiếp tục sử dụng; Các trò chơi như leo dây, cột có chiều cao 1 - 2m nhưng cũng không có cảnh báo, hướng dẫn độ tuổi chơi, vì thế tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích...

Không chỉ tại các khu vui chơi ngoài trời, tại các khu vui chơi giải trí đặt ngay trong các siêu thị, trung tâm thương mại, công tác bảo vệ an toàn cho trẻ em cũng đang bị coi nhẹ. Do không gian nhỏ hẹp, các trò chơi phổ biến tại khu vực này chỉ bao gồm đu quay, nhà bóng, nhà phao, ống trượt, xúc cát, tàu hỏa chạy điện, xe đụng... Tuy nhiên, do chủ đầu tư các khu vui chơi đều khai thác tối đa diện tích để có thể tích hợp nhiều trò chơi nên khá chật chội.

Thêm vào đó, không khí ngột ngạt, ánh sáng xanh đỏ lập lòe cùng tiếng ồn lớn từ trò chơi, quạt gió, loa đài có công suất quá lớn không phù hợp với môi trường vui chơi của trẻ nhỏ. Tại khu xúc cát, trẻ em rất dễ lọt vào mũi, vào tai, nhiều trẻ bé còn cho vào miệng nhai... gây nên hậu quả khôn lường. Khu nhà bóng, nhà phao còn ẩn hiện nhiều nguy cơ hơn do những quả bóng hay sàn nhà phao ít khi được lau rửa, vệ sinh, nhiều phụ huynh dỗ con em mình bằng cách mang bánh trái, cháo, sữa vào trong khu vui chơi khiến vụn bánh, cơm, cháo dính vào đồ chơi..., đây chính là môi trường nuôi dưỡng mầm bệnh và làm dịch bệnh lây lan...

Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ trong các khu vui chơi không chỉ giúp các em nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, mà còn hướng các em đến những điều mới lạ, khơi gợi hứng thú, thúc đẩy trẻ suy nghĩ, hoàn thiện quá trình phát triển về cả thể chất và tâm hồn.

Các chuyên gia tư vấn giáo dục cho rằng, trong lứa tuổi phát triển trí óc, rèn luyện thể chất, hoàn thiện kỹ năng, trẻ em rất cần có không gian hoạt động cả trong nhà và ngoài trời. Cũng chính ở độ tuổi hiếu động, tò mò tìm hiểu thế giới này, các em cũng gặp phải rất nhiều rủi ro nếu không có sự giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, hầu như tất cả các chấn thương thông thường khi chơi đều có thể ngăn ngừa được nếu như quy trình quản lý được xây dựng chi tiết theo quy chuẩn nghiêm ngặt và thực hiện đầy đủ gắn liền với trách nhiệm pháp lý.

Cơ quan chức năng cần có quy định, chế tài xử phạt cụ thể

Khu vui chơi cho trẻ em là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Công tác bảo đảm sự an toàn cho các sân chơi này đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân cũng như các tiêu chuẩn về thiết kế hạ tầng, thiết bị, vật liệu...

Song vấn đề bảo đảm an toàn tại các điểm vui chơi, giải trí hiện nay đang bị cả nhà tổ chức và người đến chơi chưa coi trọng. Thông tư 05/2014/TT-BLĐTBXH ngày 6/3/2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ tháng 5/2014 quy định rõ, trò chơi mang theo người lên cao từ 2m trở lên, tốc độ di chuyển từ 3m/s so với sàn cố định (như các trò tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt) thuộc danh mục máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải kiểm định, kiểm tra bảo đảm an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Cũng theo quy định này, các thiết bị đồ chơi trong nhà lẫn ngoài trời phải được kiểm tra định kỳ 1 năm/lần; ngoài ra, còn có các đợt đánh giá, kiểm tra theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều điểm vui chơi, giải trí không tuân thủ quy định kiểm tra định kỳ. Công tác kiểm tra, đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa được thực hiện thường xuyên. Thêm vào đó, hiện đã có quy định về kiểm định chất lượng thiết bị, trò chơi khi đưa vào sử dụng nhưng công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt còn hời hợt.

Chính vì thế, trong khi chờ các cơ quan chức năng có quy định, chế tài xử phạt cụ thể hơn, để đảm bảo an toàn cho trẻ em, các phụ huynh nên cân nhắc, lựa chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của con mình để tránh những sự cố không đáng có. Nhà trường nên lồng ghép những bài học kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy để hướng dẫn trẻ cách chơi sao cho an toàn, hoặc cho trẻ tham gia một số tình huống giả định để trẻ biết cách phòng tránh và xử trí khi gặp sự cố.

Không gian đáng sống giữa nội đô cho con trẻ
Sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục
Được hưởng thụ bình đẳng giới trên không gian mạng

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.