Bệnh liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào?

Người có nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Vậy, bệnh liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào?
Bệnh liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào?
Bệnh liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào? Ảnh minh họa

Thêm 2 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, 1 người tử vong

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chiều 15/5, trên địa bàn Thành phố vừa ghi nhận 2 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó 1 người tử vong.

Trường hợp đầu tiên là người đàn ông 48 tuổi, quê Ba Vì, người này tham gia giết mổ lợn bệnh, trong quá trình giết mổ không sử dụng bảo hộ. Hai ngày sau khi giết mổ lợn, người đàn ông sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn.

Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn.

Bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.

Đây là một trong 2 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà CDC Hà Nội ghi nhận trong thời gian gần đây.

Trường hợp thứ 2 mắc bệnh là bệnh nhân nữ, 43 tuổi, ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, làm nghề bán thịt lợn tại chợ Đông Phương Yên.

Trước đó, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ý thức kém, lơ mơ và được người nhà đưa vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được lấy mẫu dịch não tủy nuôi cấy và kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc bệnh này, trong đó 1 ca tử vong. Cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca mắc.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào?

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn cũng có thể lây cho người. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.

Nhiễm S.suis ít gặp ở người. Tuy nhiên, người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết v.v. Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.

Theo CDC Hà Nội, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng.

Ăn các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín, như tiết canh, nem chua, nem chạo... dễ mắc liên cầu khuẩn lợn. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, các vết trầy xước trên da.

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu Streptococcus suis có thể sống ở nhiệt độ 60 độ C trong 10 phút, 50 độ C trong 2 giờ và 10 độ C trong 6 tuần.

CDC Hà Nội khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Người dân cần chú ý không nên sơ chế thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến. Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ăn tiết canh, giết mổ lợn, 2 bệnh nhân nguy kịch

Bảo Long

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.