Ý nghĩa mô hình cầu nối pháp luật từ cơ sở

“Không có đứa trẻ nào hư mà chỉ có trẻ chưa được giáo dục đúng cách”, trước tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật chiếm tỉ lệ tăng cao, mô hình quản lý thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật được ra mắt và trở thành cầu nối pháp luật từ cơ sở.
Lực lượng chức năng tuyên truyền đến người dân nội dung phòng chống tội phạm, ngăn ngừa thanh thiếu niên hư vi phạm pháp luật.  Ảnh tư liệu
Lực lượng chức năng tuyên truyền đến người dân nội dung phòng chống tội phạm, ngăn ngừa thanh thiếu niên hư vi phạm pháp luật. Ảnh tư liệu

Trước đây, về tình hình quản lý đối tượng sau cai nghiện ma túy thông qua mô hình CLB B93 tại các cấp phường trên địa bàn TP Hà Nội đã phát huy hiệu quả của việc giáo dục, quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỉ lệ tái nghiện. 37 CLB B93 hiện nay đã trở thành điểm tựa của những người một thời lầm lỡ. Với phương châm “phòng hơn chống”, mô hình quản lý thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật được ra mắt và phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) được chọn làm mô hình điểm. Ngay từ ngày đầu hoạt động đã phát huy là mô hình “đi tắt đón đầu”.

Qua khảo sát, CA phường Yên Phụ đã nắm rõ trên địa bàn đang có 524 đối tượng trong diện quản lý vừa chấp hành xong án tù, nghiện ma tuý, tiền án, tiền sự… có ảnh hưởng rất lớn đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Phòng trào 3+1 được triển khai cấp cơ sở từ CA phường Yên Phụ đến đoàn thể, tổ dân phố, trường học và gia đình tạo thuận lợi cho việc lập danh sách hồ sơ đến công tác quản lý, cảm hóa người chưa thành niên làm trái pháp luật, trẻ em có nguy cơ làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư.

Ngoài danh sách từ các tổ dân phố, lực lượng CA phường Yên Phụ thường xuyên thực tế địa bàn, phát hiện những thanh, thiếu niên hư thường xuyên tụ tập, chơi bời, bỏ học, nghiện game có biện pháp phối hợp với Tổ trưởng Tổ dân phố và gia đình thông báo, đồng thời triệu tập, viết cam kết, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, bảo đảm đúng người, đúng pháp luật. Nhờ vậy, nắm bắt tư tưởng để động viên kịp thời những gia đình có con em hư.

Thời gian đầu triển khai, mô hình gặp khó khăn khi nhiều gia đình “né” tránh, đối tượng không hợp tác. Bằng nghiệp vụ công tác, bằng sự quan tâm thiết thực, lực lượng CA phường Yên Phụ đã huy động được sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể và Nhân dân giúp đỡ, cảm hóa các thanh niên hư thuộc diện quản lý.

Phát huy là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả, các hoạt động ngoại khóa về kiến thức pháp luật, phòng chống ma túy được tổ chức tại các trường học giúp cho các em học sinh, sinh viên nhận thức được các hành vi vi phạm pháp luật.

Mô hình quản lý với sự tham gia từ tổ dân phố, nhà trường, gia đình và lực lượng CA làm nòng cốt giúp phát hiện và cảm hóa đối tượng sớm, kịp thời ngặn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Qua đó, nâng cao công tác quản lý, giáo dục đối tượng thanh, thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật để trở thành người có ích cho xã hội. Từ đó, quyền con người được tôn trọng và chính niềm tin, sự quan tâm đặc biệt của gia đình, nhà trường là cầu nối tuyên truyền pháp luật đến gần hơn với cuộc sống.

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền cho tuyên truyền viên cơ sở
Tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật cho tuyên truyền viên cơ sở
Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức tập huấn quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành tư pháp

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.