Hà Nội thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển thị trường lao động

Ngày 14/5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2023.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tại Ngày hội.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tại Ngày hội.

Gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Ngày hội năm 2023 diễn ra với quy mô khoảng 7.000 người. Trong đó, có 5.000 học sinh năm cuối cấp tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; 2.000 học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm.

Cùng với đó, 51 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, trình diễn kỹ năng nghề tại 70 gian hàng; 30 doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho 1.150 doanh nghiệp đang có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo tại Ngày hội.

Phát biểu khai mạc Ngày hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Đây là lần thứ 4 trong vòng 5 năm trở lại đây (2019-2023) Hà Nội tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động, với quy mô lớn, qua các hoạt động hằng năm đã thu hút gần 30.000 học sinh, sinh viên, phụ huynh và người lao động trên địa bàn Thành phố tham gia, tư vấn tuyển dụng cho hơn 5.000 lao động.

Ngày hội đã tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 1.000 các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố.

Tại sự kiện có 3 nhóm hoạt động chính. Đó là: Ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tốt nghiệp trung học phổ thông; phiên giao dịch việc làm.

Ngày hội còn có những hoạt động bên lề như trưng bày, giới thiệu sản phẩm, mô hình thiết bị đào tạo tự làm; trình diễn kỹ năng nghề tiêu biểu...

Với quy mô và nội dung hoạt động của sự kiện năm nay, bà Bạch Liên Hương hy vọng, Ngày hội này sẽ phần nào đáp ứng được nguyện vọng của cả người có nhu cầu học nghề, đơn vị đào tạo nghề, nhà tuyển dụng và người lao động. Qua đó, góp phần thúc đẩy công tác định hướng giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động của Thành phố.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến tháng 4/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với 1.150 doanh nghiệp, tiếp nhận hơn 37.246 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 326 doanh nghiệp tham gia xây dựng, chỉnh sửa hơn 74 bộ chương trình, 158 giáo trình.

218 doanh nghiệp tham gia giảng dạy; 81 doanh nghiệp hỗ trợ giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật hiện đại; 92 doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở GDNN với tổng kinh phí trên 7,2 tỷ đồng.

493 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với hơn 135.480 người; 519 doanh nghiệp tuyển dụng 65.381 học sinh, sinh hiện viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp với mức lương bình quân từ 8-15 triệu đồng; 31.207 học sinh, sinh viên mà doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đến thực hành thực tập được trả lương từ 4 - 7 triệu đồng/tháng.

Kết quả thu được từ các Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động đã góp phần đẩy mạnh hợp tác, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp với nhiều hình thức phong phú và đạt hiệu quả cao.

Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh cấp THCS, THPT
Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh cấp THCS, THPT

Kết nối việc làm cho hàng nghìn người lao động

Cũng theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, thị trường lao động của Thủ đô luôn có nhu cầu cao với sự biến động mạnh mẽ.

Dữ liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, năm 2023 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là khoảng 200 nghìn chỉ tiêu. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại-dịch vụ chiếm khoảng 51%; nhóm ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 49%.

Qua 4 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn về việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp và chính sách pháp luật lao động cho gần 16,5 nghìn lượt người lao động với 2.318 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Số lao động được giải quyết việc làm là hơn 64 nghìn người, đạt 39,8% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài trong thời gian qua đã tác động nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, lao động và việc làm. Trong 4 tháng đầu năm nay, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến cắt giảm nhân công, giảm việc làm mới.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, xác định được tầm quan trọng và mang tính quyết định của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu và giải quyết tốt việc làm.

Trong khuôn khổ phiên giao dịch việc làm quận Long Biên tại Ngày hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm cho người lao động trên địa bàn quận này và khu vực lân cận. Tại đây, 96 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là gần 5.900 chỉ tiêu.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho hay, từ nay tới cuối năm, căn cứ vào yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị này sẽ tiếp tục gắn kết với lực lượng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cụ thể. Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp trong tuyển dụng và người lao động tìm được công việc phù hợp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Hà Nội hiện có 307 cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Trong năm 2022, Thành phố đã tuyển sinh đào tạo cho hơn 252 nghìn lượt người, tăng 13,58% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào đạt 72,23%, tăng 1,13% so với năm 2021. Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, tăng 2,3% so với năm 2021.
Hà Nội: Phát triển du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số, nâng cao tính giáo dục
Hà Nội: Đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Hà Nội phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.