Quận Tây Hồ, Hà Nội:

Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu quả

Thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cho thấy bộ máy ở cơ sở tinh gọn, hoạt động thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước.
-	Danh mục TTHC được niêm yết công khai đầy đủ tại Bộ phận một cửa phường Yên Phụ, quận Tây Hồ
Danh mục TTHC được niêm yết công khai đầy đủ tại Bộ phận một cửa phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Đó là khẳng định của TUV, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng sau gần 2 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn quận Tây Hồ.

Bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND Thành phố, Quận ủy Tây Hồ về các chương trình công tác, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, 2022, 2023 và tình hình thực tế của địa phương, HĐND quận Tây Hồ đã nghiêm túc tổ chức thực hiện theo quy định.

Hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND quận và các Tổ đại biểu đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Đảng bộ quận, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc quận trong thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo linh hoạt, thiết thực gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của quận.

Thực hiện Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Sở tài chính về công tác tài chính của các phường khi thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14, HĐND quận đã xem xét phê chuẩn điều chỉnh dự toán ngân sách quận trong năm và giao dự toán ngân sách năm sau cho UBND các phường trong đó có chỉ tiêu nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước cụ thể cho UBND các phường đảm bảo quy định.

Thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội, HĐND quận Tây Hồ, tại các kỳ họp HĐND quận đã ban hành 08 Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn quận.

Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của quận cập nhật đến nay, có tổng số 266 dự án với kế hoạch vốn dự kiến là 7.200 tỷ (trong đó có 184 dự án đủ điều kiện bố trí vốn, 82 dự án trong danh mục định hướng). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND quận đã phê duyệt chủ trương đối với 86 dự án mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 08 dự án với tổng số vốn đã phê duyệt là 2.033,5 tỷ đồng.

HĐND quận đã tiến hành 32 cuộc giám sát chuyên đề đối với 161 lượt đối tượng là UBND quận, UBND các phường, trưởng các phòng ngành, Chủ tịch phường và một số đơn vị trên địa bàn quận với các nội dung: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị; cải cách hành chính; công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân; giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát;

Nội dung, chương trình giám sát đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, liên quan đến các vấn đề dân sinh bức xúc; phương thức giám sát đã có sự linh hoạt, đổi mới theo hướng sát cơ sở, thiết thực và hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Cụ thể, theo đề án thí điểm, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, thực tế khối lượng công việc ngày càng tăng, đội ngũ cán bộ trong bộ máy tinh giản biên chế, công chức chuyên môn phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên áp lực công việc ngày càng lớn…

Bí thư Quận ủy Lê Thị Thu Hằng đề nghị Thường trực HĐND quận, UB MTTQ và các Tổ đại biểu cần tăng cường công tác giám sát. Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì vai trò giám sát của các Tổ đại biểu được nâng cao, do vậy cần phát huy vai trò của đại biểu HĐND trong các hoạt động của HĐND, trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND.

Đề cao trách nhiệm giám sát, công tác giám sát, kiểm tra của cấp ủy cũng như công tác giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể để đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân trong việc giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước.

UBND quận quan tâm, tạo điều kiện bảo đảm về ngân sách và nguồn nhân lực của địa phương khi phân cấp, phân quyền trong quản lý đô thị, tạo điều kiện và cơ chế để chính quyền địa phương có sự tự chủ nhất định trong các quyết định phân bổ, sử dụng nguồn lực theo thứ tự ưu tiên của địa phương.

Đồng thời, đề xuất cho UBND các phường được tự chủ nguồn tài chính để trong hoạt động chủ động hơn trong các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, dân sinh bức xúc; có chính sách và biện pháp khuyến khích chính quyền địa phương phát huy tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, chủ động khai thác triệt để các nguồn thu để đáp ứng một cách tốt nhất, phù hợp với tình hình thực tế.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, thực hiện chính quyền đô thị, biên chế được tinh giản, tiết kiệm được ngân sách chi cho hoạt động của cơ quan Nhà nước ở phường. Công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận và các phường đạt kết quả theo kế hoạch đặt ra, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Công tác tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, giải quyết đơn khiếu nại của công dân được thực hiện đúng quy định pháp luật, đạt hiệu quả.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước
Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân, hướng đến một “chính quyền phục vụ”
Bộ máy chính quyền tinh gọn, vận hành thông suốt

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.