Đề xuất giảm thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2023

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình gửi Quốc hội dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2023 cho mọi loại hàng hóa, dịch vụ nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển.
Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long
Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long

Chính sách được áp dụng đến hết năm 2023

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, để góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, ngày 5/5/2023 Chính phủ đã có Tờ trình số 188/TTr-CP đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023. Đặc biệt, tờ trình nêu rõ trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, thách thức và biến động khó lường, mức độ ảnh hưởng đến DN, người dân là sâu rộng khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thuế, phí và lệ phí, nhưng từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, số thu ngân sách cho thấy xu hướng giảm. Lũy kế Quý I/2023 chỉ bằng 30,9% dự toán (loại trừ Thuế thu nhập DN thì giảm 6% so với cùng kỳ); số thu hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 16,4% so với cùng kỳ. Do vậy, bên cạnh các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, giảm tiền thuê đất, giảm các khoản thu phí, lệ phí, thì giảm thuế VAT như áp dụng cho năm 2022 để hỗ trợ người dân, DN theo Chính phủ là cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết được Chính phủ xây dựng để Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua có 2 điều: Thứ nhất, điều chỉnh giảm thuế suất thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế suất 10%. Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Trong đó, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế VAT là 8% với hàng hóa, dịch vụ. Các cơ sở kinh doanh gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỉ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Thứ hai, là ngày có hiệu lực thi hành của nghị quyết. Chính sách được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023.

Đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng

Đánh giá tác động của dự thảo nghị quyết đến ngân sách nhà nước, người dân và DN, Chính phủ cho rằng, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Với đề xuất này, việc giảm thuế VAT sẽ áp dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, khắc phục những khó khăn khi thực hiện chính sách trước đây. Theo quy định cũ, việc giảm thuế đã loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã áp dụng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng quy định này làm tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan quan thuế. Do đó, với đề xuất mới là việc giảm thuế VAT áp dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh, sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023. Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân.

Đối với các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các nội dung chính sách được đề xuất tại dự án nghị quyết đều đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và không trái với các cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.

Nhằm khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách Nhà nước, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế. Cùng với đó, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%
Tìm giải pháp tháo gỡ để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023
Không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan
Người dân được hưởng lợi - doanh nghiệp tăng sức đề kháng

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.