Chủ shop quần áo bị cưỡng bức: Đăng clip lên mạng có bị xử lý?

Ngoài việc xử lý trách nhiệm nghi phạm, trường hợp có người cố tình tung clip chủ shop quần áo bị cưỡng hiếp lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý của nạn nhân thì có bị xử lý?
Hình ảnh nữ chủ shop quần áo bị cưỡng hiếp ở Vĩnh Phúc (Ảnh Chụp từ clip)
Hình ảnh nữ chủ shop quần áo bị nghi phạm dùng dao khống chế ở Vĩnh Phúc. (Ảnh chụp từ clip)

Ngày 8/5, CA huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can Phan Văn Cương, SN 1992 để tiếp tục điều tra về tội “Hiếp dâm”.

Theo điều tra, tối 6/5, khi đi qua cửa hàng quần áo ở thị trấn Gia Khánh, Cương thấy người phụ nữ bán quần áo đang thử đồ, nên nảy sinh ý định hiếp dâm. Sau đó, Cương cầm dao xông vào trong cửa hàng, đe dọa nạn nhân cho quan hệ tình dục.

Bị đe dọa, nạn nhân vờ đồng ý. Lợi dụng lúc nghi phạm sơ hở, người phụ nữ giật được con dao rồi hô hoán người dân khiến nghi phạm hoảng sợ bỏ chạy. Cương bỏ chạy được vài chục mét, thì bị người dân cùng công an bắt giữ. Tại CQCA, Cương thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trước đó, tối 7/5, trên mạng xã hội xuất hiện clip thể hiện rõ vụ việc. Tuy nhiên, ngoài những bình luận thể sự đồng tình với cách xử lý tình huống của nạn nhân, cũng có nhiều bình luận cười cợt, chế giễu khiến dư luận bức xúc. Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, trường hợp có người cố tình tung clip chủ shop quần áo bị cưỡng hiếp lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý của nạn nhân thì có bị xử lý?

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong sự việc này không rõ nguồn gốc clip xuất hiện trên mạng xã hội do cá nhân nào phát tán và đã được sự đồng ý của nạn nhân hay chưa.

Nếu chưa được sự đồng ý và do một cá nhân nào đó cố tình phát tán, hành vi này có thể vô tình khiến cho nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều về mặt tinh thần, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Vì vậy, tùy tính chất mức độ, người thực hiện hành vi sẽ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, ngoài việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xử lý hành vi hiếp dâm của hung thủ, cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh nguồn gốc đoạn clip trên do ai phát tán lên mạng, mối quan hệ giữa người phát tán và nạn nhân, mục đích phát tán là gì, để có căn cứ xử lý.

Theo luật sư Thái, hiện nay pháp luật quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ bằng các chế tài dân sự, hình sự và hành chính. Vì thế, nếu cá nhân bị lộ clip, hình ảnh, thông tin cá nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc thiệt hại khác, có thể yêu cầu người thực hiện hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592, BLDS năm 2015 và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu.

Trường hợp sử dụng hình ảnh nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên nền tảng mạng xã hội, hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Luật sư Thái cũng cho biết, nếu hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý về tội "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" quy định tại Điều 288, BLHS năm 2015. Người thực hành vi sẽ bị xử phạt phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, hình phạt sẽ là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 288, BLHS năm 2015.

Ngoài ra, trong vụ việc này, việc hiếp dâm không thành là do nạn nhân chống cự, kêu cứu chứ không phải nghi phạm tự ý chấm dứt tội phạm nên hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội “Hiếp dâm” theo quy định tại Điều 141, BLHS năm 2015.

"Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự có thể tới 7 năm tù, nghi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Thiệt hại bao gồm thu nhập bị mất, bị giảm sút và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 10 tháng lương cơ sở", luật sư Thái thông tin thêm.

Ứng phó sao khi gặp kẻ biến thái?

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học chia sẻ, khi bị khống chế, chị em có thể yêu cầu đối tượng dùng bao cao su để đảm bảo an toàn, lấy lý do vì đang mắc bệnh phụ khoa... Đa số những tên đang bị dục vọng thôi thúc khi nghe câu này sẽ chững lại, vì đều không muốn lây những căn bệnh nguy hiểm. Lại không có kẻ tội phạm nào chuẩn bị bao cao su khi đi gây án. Khi thấy đối tượng có vẻ ngập ngừng, cần tranh thủ cơ hội để thoát thân hoặc hô hoán để mọi người cứu giúp. Khi vụ việc xảy ra, việc cần làm là cần bình tĩnh, khéo léo, nhẹ nhàng đánh lạc hướng kẻ ác để có thời cơ thoát thân và kêu cứu.

Vừa đe dọa cướp tài sản, vừa định “làm nhục” nạn nhân có thể bị xử lý thế nào?
Người “chồng hờ” của nữ giám đốc công ty kinh doanh trông giữ xe sẽ bị xử lý thế nào?
Nữ chủ shop quần áo mưu trí khiến "yêu râu xanh" sợ hãi bỏ chạy

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.