Trục lợi hàng tỷ đồng từ lừa bán vé máy bay về nước dịp Covid-19

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Huy, SN 1989, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Huy tại toà
Bị cáo Huy tại toà

Theo cáo trạng, Nguyễn Xuân Huy là Giám đốc Cty TNHH Du lịch, Giáo dục và Thị thực Việt Nam. Cty của Huy kinh doanh dịch vụ du lịch, làm thẻ visa, mua bán vé máy bay.

Do cùng làm ngành du lịch nên khoảng năm 2017, Huy có quan hệ hợp tác kinh doanh với chị Nguyễn Thị Minh Lý, SN 1992, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, có quan hệ họ hàng với Huy. Từ đầu năm 2018, Huy đã nhiều lần làm thẻ visa cho các khách hàng của chị Lý.

Thông qua chị Lý, Huy tiếp tục hợp tác kinh doanh ăn với chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, SN 1984, chị gái của chị Lý, cùng làm ngành du lịch. Khoảng tháng 5/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các nước Châu Á diễn biến phức tạp nên nhiều người có nhu cầu đặt mua vé máy bay về nước, nhưng nhiều tuyến bay Quốc tế về Việt Nam đang tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế số chuyến bay nên việc đặt mua về gặp khó khăn.

Thời gian này, Huy đang cần tiền để trả nợ cá nhân nên đã lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua việc đặt mua vé máy bay. Huy lên mạng xã hội Zalo và Facebook đăng thông tin về các chuyến bay hồi hương từ nước ngoài về Việt Nam, những thông tin về các chuyến bay được Huy cập nhật từ nhiều đại lý, phòng vé khác nhau.

Sau đó, Huy gọi điện, nhắn tin với chị Lý để mời chị Lý đặt mua vé máy bay các chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về Việt Nam. Do tin những thông tin Huy đưa ra là thật nên chị Lý đã báo cho chị Tâm biết.

Chị Tâm đã liên lạc với Huy trao đổi mua vé máy bay. Bản thân Huy biết rõ thời gian này rất khó để mua được số lượng lớn vé máy bay các chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về Việt Nam nhưng vẫn hứa hẹn với chị Tâm, chị Lý về việc mình có khả năng mua được.

Huy thỏa thuận với chị Tâm và chị Lý giá vé theo từng chuyến bay và phải đặt cọc trước 20 triệu đồng/vé đối với những chuyến bay từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc về Việt Nam và 15 triệu đồng/vé đối với chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam.

Trường hợp nếu khách không đi thì sẽ mất tiền đặt cọc, nếu Huy không lấy được vé cho khách thì Huy sẽ phải bồi thường số tiền 5 triệu đồng/1 vé và hoàn trả số tiền đặt cọc. Gần ngày chuyến bay khởi hành thì khách phải chuyển nốt số tiền tương ứng với giá vé của chuyến bay đã đặt cọc trước đó.

Anh Trần Văn Hợp, SN 1992, quê Hà Tĩnh, cho hay, khoảng tháng 5/2021, thông qua mạng xã hội Facebook, anh Hợp đặt Huy mua 1 vé máy bay cho người quen từ Nhật Bản về Việt Nam chuyến bay ngày 15/6/2021 ới giá 57 triệu đồng. Ngày 26/5/2021, anh Hợp chuyển 20 triệu đồng cho Huy, cọc tiền mua vé.

Ngày 3/6/2021, anh Hợp bảo Huy xem có chuyến nào rẻ hơn thì đổi. Huy bảo, giá về chuyến bay ngày 14/6/2022 là 55 triệu đồng. Anh Hợp đồng ý và chuyển khoản cho Huy số tiền còn lại (35 triệu đồng). Huy hẹn 1, 2 ngày sau sẽ có vé nhưng sau đó chiếm đoạt số tiền trên. Người đàn ông này nhiều lần liên lạc đòi vé nhưng Huy viện lý do bên phòng vé chưa xuất nên không cung cấp được.

Với thủ đoạn nếu trên, từ ngày 10/5/2021 đến ngày 14/6/2021, Huy đã chiếm đoạt của 3 người tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Trong đó, Huy chiếm đoạt của chị Lý gần 3,2 tỷ đồng, của chị Tâm hơn 3,2 tỷ đồng. Các cơ quan tố tụng làm rõ, sau khi các bị hại chuyển tiền đặt cọc, để tạo niềm tin, Huy đặt một số vé máy bay và hoàn trả một phần tiền để người bị hại không nghi ngờ, tiếp tục chuyển tiền cho Huy.

Do đó, HĐXX của TAND TP Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tin lời quảng cáo đầu tư lãi suất 90%, người phụ nữ bị lừa hơn 2 tỷ đồng
Cẩn trọng với các website bán vé máy bay giả dịp cận Tết
Vợ chồng, chị em ruột rủ nhau lập hàng loạt fanpage lừa đảo bán vé máy bay
Hàng trăm người sập bẫy mua vé máy bay giá rẻ của đối tượng chưa học hết lớp 9 như thế nào?

Bảo Lâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.