Người lao động cần làm gì khi công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội?

Trường hợp công ty không thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động có thể liên hệ công ty và yêu cầu công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội cho mình.
Nếu công ty vẫn không thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội theo quy định thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.
Nếu công ty không thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội theo quy định thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.

Người lao động không thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội

Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trong đó có bảo hiểm xã hội.

Theo đó, điều khoản này quy định rõ trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

Điều này cũng quy định: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

Ngoài ra, Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy việc chốt sổ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động và được thực hiện với sự phối hợp của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Do đó, người lao động không thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội tại cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi đã nghỉ việc dù có nghỉ việc đúng luật hay nghỉ ngang, mà phải quay trở lại công ty cũ để yêu cầu họ thực hiện thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho mình.

Người lao động cần làm gì khi công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội?

Một trong những trách nhiệm quan trọng của doanh nghiệp là đóng bảo hiểm xã hội và hàng tháng trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Thế nhưng, hiện nay có không ít trường hợp người sử dụng lao động cố tình giữ lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động do người lao động nghỉ ngang… Trong khi đó, sổ bảo hiểm là giấy tờ quan trọng khi người lao động làm hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, do đó, việc chốt sổ chậm có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng bảo hiểm của người lao động.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong quá trình hỗ trợ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, có những tình huống phát sinh khiến người lao động không được hưởng chế độ này.

Các trường hợp thường gặp như: Người lao động không đáp ứng yêu cầu tháng liền kề trước khi mất việc mà đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp; quá hạn 3 tháng kể từ khi mất việc nhưng không nộp hồ sơ đề nghị hưởng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Đáng chú ý, một số lao động khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nộp hồ sơ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phát hiện sổ bảo hiểm không được chốt, vì doanh nghiệp chưa trả hết tiền tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (có khi chỉ 1 - 2 tháng), nhưng lại ảnh hưởng đến người lao động.

“Người lao động nghỉ việc tại thời điểm này thì bảo hiểm phải căn cứ xem doanh nghiệp mà họ đang làm đã đóng hết bảo hiểm chưa thì mới chốt cho người lao động. Tuy nhiên, người lao động đã đóng xong phần của mình, nhưng phía doanh nghiệp lại không đóng cho bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, nên không thể chốt sổ bảo hiểm được, gây ảnh hưởng quyền lợi người lao động” - bà Vũ Thị Thanh Liễu thông tin.

Với những trường hợp này, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, đơn vị đã hướng dẫn người lao động quay lại doanh nghiệp đề nghị đóng bảo hiểm để chốt sổ cho người lao động, sau đó doanh nghiệp đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, có nhiều người lao động khi quay lại trung tâm thì đã quá thời hạn 3 tháng nộp hồ sơ theo quy định để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Vì vậy, đơn vị này khuyến cáo doanh nghiệp tham gia hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng thời hạn, cũng là mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Việc này cũng nhằm tránh tình trạng người lao động đã tham gia đầy đủ, nhưng vì không chốt được sổ bảo hiểm nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Do đó, trường hợp công ty không thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động có thể liên hệ công ty và yêu cầu công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội cho mình.

Nếu công ty vẫn không thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội theo quy định thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.

Để kiểm tra quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình, hiện nay người lao động có thể tra cứu miễn phí thông qua các ứng dụng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp như qua: Ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”; Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến ngày 17/4, đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 104.405 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải có đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Họ cũng cần trình giấy tờ chứng minh mình đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, ví dụ như: quyết định nghỉ việc, quyết định sa thải, giấy tờ liên quan. Người lao động mang bản chính, bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu khi đến trung tâm dịch vụ việc làm.

Đồng thời, người lao động cần mang sổ bảo hiểm có sự xác nhận thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Căn cứ vào đó, các Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tính toán để người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mức thời gian mà người lao động đã tham gia.

Theo ông Trần Tuấn Tú - Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, người lao động hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp theo tháng, thông qua người sử dụng lao động nên tại thời điểm người lao động nhận được tiền lương, phần trách nhiệm đóng của người lao động đã được hoàn thành.

Tuy nhiên, có trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện đúng quy định, không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thậm chí chiếm dụng phần đóng của người lao động, nên sẽ bị xử lý trên hành vi vi phạm của người sử dụng lao động.

“Quy tắc là có đóng có hưởng, người lao động chưa đóng vào quỹ thì chưa được ghi nhận thời gian đóng, dẫn đến việc người lao động không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp, chế độ bảo hiểm thất nghiệp” - ông Trần Tuấn Tú cho biết.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền như sau:

Số người lao động bị ảnh hưởng

Mức phạt tiền vi phạm

Từ 1 - 10

Từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng

Từ 11 - 50

Từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng

Từ 51 - 100

Từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng

Từ 101 - 300

Từ 15.000.000 - 15.000.000 đồng

Từ 300 trở lên

Từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt trên đây áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, còn mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân nêu trên.

Như vậy, nếu không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, công ty sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng, tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm theo quy định nêu trên.

Người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu được hưởng những gì?
Sửa đổi Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Đề xuất người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần sau nghỉ việc 3 tháng
Những thiệt thòi của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.