Chuyện về những người con đất lụa Vạn Phúc quyết tâm nối nghiệp và phát triển nghề…

Dệt lụa là nghề truyền thống có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta, nhưng không đâu nổi tiếng và lâu đời như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Nơi đây được coi là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nức tiếng khắp cả nước. Trải qua nhiều thế kỷ, người dân làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được những nét đẹp tinh xảo, truyền thống.
Chuyện về những người con đất lụa Vạn Phúc quyết tâm nối nghiệp và phát triển nghề…
Làng lụa Vạn Phúc.

Làng nghề có truyền thống lâu đời

Ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tỉnh Hà Đông xưa có "bảy làng La, ba làng Mỗ" đều làm nghề dệt lụa, vì vậy người ta còn gọi đây là quê lụa. Vạn Phúc là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước và có nhiều mẫu hoa văn lâu đời bậc nhất ở Việt Nam. Có thời lụa Vạn Phúc là sản phẩm sang trọng thường chỉ dành may trang phục cho vua chúa, quan lại và những người giàu có.

Chuyện về những người con đất lụa Vạn Phúc quyết tâm nối nghiệp và phát triển nghề…

Nét đẹp lụa Vạn Phúc

Cho đến hôm nay, lụa Vạn Phúc cùng bàn tay khéo léo, kinh nghiệm lâu đời của những người làm nghề vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của cũng như mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được người dân trong nước lẫn bạn bè quốc tế đánh giá là đẹp bền. Bởi hoa văn trên lụa đa dạng, trang trí cân xứng, đường nét thanh thoát, giản đơn mang đến sự dứt khoát, phóng khoáng cho người xem, người mặc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống.

Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại: Lụa, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi... Khổ vải thường là 90-97cm. Nói tới lụa Vạn Phúc không thể không nhắc tới lụa Vân. Lụa Vân là một sản phẩm cao cấp - loại lụa mà hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt, với đủ các loại màu sắc, hoa văn độc đáo.

Lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung có đặc điểm bền đẹp, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, mặc vào có cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại phù hợp với mọi lứa tuổi. Chính bởi những ưu điểm ấy mà lụa Vạn Phúc tạo cho mình một thương hiệu lụa truyền thống nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài.

Những người “giữ lửa nghề lụa

Từng một thời, không chỉ người dân làng lụa Vạn Phúc mà cả những người mê lụa truyền thống nghĩ rằng, lụa Vân trong ca dao xưa sẽ chỉ còn là câu chuyện qua lời kể của những bậc cao niên trong làng, khó có thể nào tồn tại lâu đời cho đến ngày hôm nay.

Thế nhưng, với bàn tay cần mẫn, bằng tình yêu của mình, nhiều nghệ nhân tại nơi đây, vẫn giữ trọn vẹn, ngày đêm cần mẫn để nét đẹp văn hóa ngày càng được phát triển chứ không phải mai một theo thời gian.

Biết quay tơ giúp mẹ từ năm 10 tuổi, được truyền nghề bằng cả tâm huyết và khát vọng của người cha trong những năm chiến tranh khốn khó vừa dệt vải vừa chạy càn của giặc Pháp, sau bao biến cố cuộc đời từ cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, đến cán bộ phòng văn hóa thông tin, nhưng nghệ nhân Đỗ Quang Hùng vẫn đau đáu về tiếng thoi đưa mỗi chiều tan sở của mẹ.

Theo ông Hùng vào những năm đầu của thế kỷ 20, bà ngoại ông đã mang sản phẩm của mình sang Pháp tham dự hội chợ. Cũng từ những năm đó, sản phẩm của gia đình ông đã có mặt tại Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng với hàng chục gian hàng lớn nhỏ.

Chuyện về những người con đất lụa Vạn Phúc quyết tâm nối nghiệp và phát triển nghề…
Ông Hùng giới thiệu các mẫu lụa do gia đình mình sản xuất

Năm 1992, kinh tế đất nước mở cửa, các doanh nghiệp có điều kiện được tự do buôn bán phát triển, sau khi nghỉ chế độ, vợ chồng ông đã đi vay khoảng 40 triệu đồng mua khung cửi, mua tơ mở lại xưởng dệt. Và ông trung thành với lối dệt thủ công từ nhiều đời của các cụ truyền lại mặc dù rất nhiều nhà trong làng đã sử dụng máy móc hiện đại để thay thế.

Hiện với xã hội phát triển, các máy dệt hiện đại đã giúp họ giải quyết được các vấn đề như chọn và pha màu và thiết kế mẫu. Trong khi đó, để có được những vuông vải đẹp với hoa văn và màu tự nhiên, ông Hùng phải tỉ mẩn, kiên trì học hỏi sáng tạo các chi tiết hoa văn vừa độc đáo vừa ấn tượng. Nhiều đêm ông phải thức trắng để pha trộn tìm các màu phù hợp với hoa văn.

Từ sự mày mò tự học hỏi kinh nghiệm thực tế và các phương thức gia truyền của các cụ xưa, ông đã tạo ra được những vuông lụa bền đẹp, nổi tiếng với hoa văn, đường nét không rườm rà, phức tạp, nhưng lại phóng khoáng và kiêu sa.

Năm 2010, sản phẩm lụa mang thương hiệu Hùng Loan của gia đình ông đi tham gia cuộc thi các làng nghề thủ công truyền thống kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã đứng đầu về các sản phẩm lụa tơ tằm tham gia cuộc thi và đoạt giải B.

Điều này đã khích lệ và khẳng định con đường mà ông đang đi là đúng, vì đã bảo tồn và phát triển được thương hiệu của làng nghề truyền thống. Những sản phẩm của nhà ông làm ra luôn đạt tới mức hoàn mỹ với độ bền, mềm, mịn và thẩm mỹ tinh tế với các hoa văn sang trọng.

Với phương châm sản phẩm chất lượng và uy tín thì tiếng lành sẽ đồn xa khi đó khách hàng sẽ tìm đến mình, do vậy ông Hùng không mở cửa hàng kinh doanh như các gia đình khác. Vợ chồng ông đã dùng ngay chính ngôi nhà trong ngõ sâu của mình ở để làm nơi sản xuất và bán sản phẩm. Trong thời đại công nghiệp phát triển với những máy móc hiện đại thì vẫn còn những làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển.

Lớn lên trong thời chiến, người con làng Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà lựa chọn lên đường vào Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Xa quê nhiều năm nhưng hình ảnh tấm lụa cùng khung dệt vẫn luôn hiện hữu trong trái tim ông.

Chuyện về những người con đất lụa Vạn Phúc quyết tâm nối nghiệp và phát triển nghề…
Nghệ nhân Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc

Ông Hà chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề lâu đến vậy cũng là nhờ truyền thống cha ông truyền dạy và cái say mê với nghề đã được hình thành từ rất sớm. Là một người con đất lụa, tôi đã quyết tâm giữ và phát triển nghề, đưa lụa Vạn Phúc thành công được như hôm nay”.

Đối với ông Hà, lụa Vạn Phúc rất đặc biệt, nó mang một nét đặc sắc rất riêng mà chỉ nơi đây mới có. Hoa văn trên tấm lụa được vẽ tay tỉ mỉ rồi dệt lên chứ không giống các sản phẩm nơi khác chỉ đơn thuần là in lên.

Nhắc lại chuyện hồi sinh nghề dệt lụa, đặc biệt là việc góp công khôi phục dòng lụa vân từng một thời làm nên thương hiệu của làng, ông Hà kể: “Năm 1991, tôi nghỉ hẳn công việc tại nhà máy. Thời điểm đó, người làng bỏ nghề nhiều. Họ đua nhau bán máy dệt, gỡ bỏ khung cửi rồi bỏ làng, bỏ quê đi xứ khác làm thuê, kiếm sống… cảnh làng nghề buồn và đìu hiu lắm”.

Người làng đua nhau bỏ nghề nhưng cảnh tượng đó chẳng làm ông Hà chán nản, ông luôn tâm niệm phải giữ lấy nghề vì nghề là máu thịt, mồ hôi, xương cốt cha ông làng Vạn Phúc để lại. “Gia đình tôi đã có ít nhất 5 đời làm nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống, bản thân tôi từ khi lên 10, tuổi thơ đã gắn liền với những sợi tơ, tiếng thoi dệt lụa. Vậy nên, bằng tất cả sự tâm huyết, quyên tâm giữ trọn nghề, bỏ ngoài tai những lời cười nhạo tôi luôn tâm niệm phải giữ lại nghề dệt lụa.”

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, ông quyết định đầu tư, nâng cao công cụ sản xuất, kết hợp tìm hiểu thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống. Để tạo ra sự khác biệt, ngoài những sản phẩm, mẫu mã truyền thống lâu đời, ông Hà còn sáng tạo thêm các sản phẩm mới. Sản phẩm lụa hoa dây mang đặc trưng riêng của cơ sở ông Hà ra đời.

Đây là hàng lụa mỏng, có hoa nổi, hoa chìm. Điểm đặc biệt ở sản phẩm này là, hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, hoa chìm phải soi qua ánh sáng mới thấy được. Ông Hà bảo, nếu xét trừu tượng thì lụa hoa dây ẩn chứa phần nào nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam, thuần khiết mà thanh nhã.

Nhờ những đóng góp tích cực trong lĩnh vực phát triển làng nghề truyền thống, ông Phạm Khắc Hà liên tục được người dân tín nhiệm, giữ cương vị Chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Phúc.

Năm 2015, ông Hà là nghệ nhân duy nhất được vinh danh bảng vàng gia tộc, được Ban tổ chức “Kí ức Hà Nội” tặng Giấy khen nghệ nhân lụa truyền thống. Cùng thời điểm này, ông được nhận Danh hiệu “Thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi Thủ đô” - là một trong những Cựu chiến binh tiêu biểu được Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Hà Nội vinh danh.

Xây dựng con người văn minh đồng nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao của văn hóa
Phát huy tiềm lực của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Hương Giang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.