Giải pháp nào để các ngành nghề thủ công Thủ đô vươn tầm quốc tế?

Theo GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), bên cạnh những thế mạnh, ngành nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có những vướng mắc trong cơ chế, thể chế cũng như chính sách. Vì vậy, thành phố cần có những giải pháp để kích cầu ngành nghề thủ công, tránh lãng phí nguồn lực này.
Giải pháp nào để các ngành nghề thủ công Thủ đô vươn tầm quốc tế?

Những tác phẩm nón lá Bồ Đề của làng nón Phú Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy

Thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa then chốt ở Việt Nam. Đặc biệt, Hà Nội có lợi thế lớn khi sở hữu đông đảo các số lượng làng nghề cũng như nghệ nhân. Thống kê chính thức cho thấy, Hà Nội có tới 47/52 nghề thủ công trên toàn quốc. Với những làng nghề như: mây tre đan, sơn mài, gốm sứ,… đã thu hút trên 739.000 người lao động

Theo GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), bên cạnh những thế mạnh, ngành nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có những vướng mắc trong cơ chế, thể chế cũng như chính sách. Những làng nghề truyền thống hiện nay chưa có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm truyền thống của các làng nghề khác trong thị trường nội địa cũng như quốc tế. Các nguyên liệu khai thác đang dần cạn kiệt, chất lượng nguồn nhân lực không đủ hoặc không đồng đều cũng như các làng nghề hiện nay chưa theo kịp được trình độ khoa học – kĩ thuật của các nước tiên tiến.

Ngoài ra, khả năng mở rộng thị trường hiện nay của các làng nghề chưa lớn. GS.TS Từ Thị Loan cho rằng khi bước chân vào thị trường thương mại toàn cầu buộc các làng nghề phải thay đổi để đạt được thành công. Không chỉ cần sản phẩm, mẫu mã đẹp mà quan trọng hơn là cần quảng bá, giới thiệu cũng như xây dựng uy tín cho các làng nghề.

Để khắc phục được những hạn chế còn tồn đọng của các ngành nghề thủ công của Hà Nội, GS.TS Từ Thị Loan nêu một số giải pháp. Đối với các cơ quan Nhà nước, cần có những chính sách phù hợp, hoàn thiện hơn về thể chế, cơ chế nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của làng nghề. Các làng nghề muốn phát triển một cách bền vững cần đảm bảo được an ninh nguyên liệu sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số vào quy trình sản xuất của mình. Một giải pháp mới hiện nay được đưa ra trọng tham luận là phát triển thủ công mỹ nghệ gắn với khai thác du lịch làng nghề.

Một trong những làng nghề tiêu biểu đã và đang phát triển theo xu hướng “phát triển thủ công gắn liền với làng nghề” hiện nay có thể kể đến Bát Tràng. TS. Lê Thị Cúc nhận định, Bát Tràng hiện nay đang ngày càng được cải thiện, sản phẩm gốm sứ ngày càng đa dạng hơn về mẫu mã cũng như thể loại. Làng gốm ngày nay ngày càng tiếp cận nhiều hơn đối với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Đối với những sản phẩm thủ công của Bát Tràng đã tạo ra nét đặc trưng của làng nghề, có thể kể đến màu men riêng như men ngọc (nâu và trắng), men rạn độc đáo, mang đầy tính nghệ thuật.

TS. Lê Thị Cúc cũng đã chỉ ra những tồn tại về mặt hạn chế trong sự phát triển của làng nghề gốm Bát Tràng. Trước hết phải kể đến việc có sự cạnh tranh giữa các cửa hàng gốm trong Làng Gốm trong bối cảnh các cửa hàng gốm ngày càng được mở ra nhiều hơn, tuy nhiên mẫu mã các sản phẩm đa số được sao chép giống hệt nhau. Hơn hết, tuy được tiếp cận nhiều hơn với công chúng nhưng làng Gốm Bát Tràng lại chưa có sự thống nhất trong hoạt động thông tin truyền thông để tiếp cận đến khách hàng, ít hoạt động quảng bá chung cho làng nghề. TS. Lê Thị Cúc cũng chỉ ra rằng việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của làng còn hạn chế, thiếu chuyên gia đảm nhận trọng trách phòng chống hàng giả, bảo vệ những doanh nghiệp kinh doanh gốm tại đây.

Không chỉ làng nghề gốm Bát Tràng mà bài toán phát triển bền vững còn được đặt ra cho UBND huyện Ba Vì – nơi tập trung của 20 làng nghề truyền thống, trong đó bao gồm 11 làng nghề chế biến chè búp khô, 3 làng nghề sơ chế thuốc nam, 3 làng nghề sản xuất nón lá, 1 làng nghề tinh bột sắn và 1 làng nghề chế biến kén tằm, 1 làng nghề trồng hoa mai trắng. Theo thống kê của UBND huyện, 19/20 làng nghề hiện nay đang còn hoạt động ổn định, đóng góp nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của làng nghề trên địa bàn huyện Ba Vì cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia gìn giữ các làng nghề. Đồng quan điểm với GS.TS. Từ Thị Loan, UBND huyện sẽ đẩy mạnh phát triển các làng nghề, di sản văn hóa theo hướng du lịch sinh thái, xây dựng thương hiệu của các làng nghề truyền thống.

Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, Sở Công Thương cũng đề xuất một số giải pháp phát huy các thế mạnh của làng nghề trong xây dụng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Trước hết, phải đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp. Sở Công Thương cũng đặc biệt nhấn mạnh sẽ hỗ trợ triển khai hiệu quả chương trình xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” , “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ hiện nay. Sở Công Thương cho biết sẽ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề sao cho khoa học kỹ thuật ngày càng được nâng cao, hỗ trợ đào tạo nhân lực, tuyên truyền, tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại .

Để cải thiện được những tồn tại, hạn chế của các làng nghề hiện nay không thể thực hiện một sớm một chiều mà cần có sự hỗ trợ, vào cuộc của cả nghệ nhân, làng nghề cũng như sự quan tâm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các ngành nghề truyền thống được coi là thế mạnh của Hà Nội.

Ngành du lịch chuyển mình thu hút khách quốc tế Ngành du lịch chuyển mình thu hút khách quốc tế
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Tìm giải pháp giải quyết tốt vấn đề sử dụng hè phố, chợ, công viên Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Tìm giải pháp giải quyết tốt vấn đề sử dụng hè phố, chợ, công viên

Kiều Tú

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.