Bộ Công an: Triệt phá nhiều nhóm tội phạm "tín dụng đen"

Ngày 10/4, Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo Công an các tỉnh và địa phương triệt phá nhiều nhóm tội phạm có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê trái pháp luật,... núp bóng các công ty tài chính.
Bộ Công an: Triệt phá nhiều nhóm tội phạm
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng.

Theo đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/4, giải trình một số nội dung trong báo cáo dân nguyện thuộc thẩm quyền, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh của cử tri, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện nhóm giải pháp phòng ngừa tốt hơn với nhóm tội phạm có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê trái pháp luật.

Theo ông Lê Quốc Hùng, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an phân tích rõ bản chất, làm rõ các vụ án. Qua đó, cơ quan chức năng nhận định bản chất của loại tội phạm này không phải là khủng bố, vu khống mà là cưỡng đoạt tài sản. Ông Lê Quốc Hùng đã đưa ra dẫn chứng là 2 vụ án điển hình được Bộ Công an chỉ đạo đơn vị địa phương phá án, làm rõ nhiều thủ đoạn mới, tinh vi.

Vụ án thứ nhất là Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Tiền Giang phối hợp công an các địa phương triệt phá hội nhóm, đối tượng thuộc Công ty Pháp Việt có hành vi cưỡng đoạt thông qua việc đòi nợ trái pháp luật.

Đây được nhận định là hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, quy trình chặt chẽ và các đối tượng đòi nợ theo 3 cấp độ: Thứ nhất là gọi điện chửi bới khách vay, đe dọa, yêu cầu trả tiền; thứ hai là đe dọa giết người thân, đăng hình bôi nhọ, hoặc đe dọa cho mất việc đối với những người đang có việc làm; thứ ba là mang quan tài đến cơ quan, tổ chức để đe dọa; đặt bình gas, đặt xăng chở đến cơ quan, nhà trường là nơi con cái của người vay tiền học tập để uy hiếp tinh thần.

Với vụ việc này, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 54 bị can, trong đó có 2 Phó Giám đốc công ty TNHH Luật pháp Việt, 20 trưởng phòng, một thư ký và 31 nhân viên công ty này.

Vụ án thứ 2 là từ tháng 11/2022 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP HCM phối hợp công an địa phương triệt phá 6 nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính như: Công ty TNHH MTV Mirae Asset, Công ty TNHH MTV Tiếng nói hay, Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ, Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh F88...

Với các vụ việc này, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP HCM đã khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Cùng với đó, Bộ Công an tiến hành kiểm tra hành chính một số cơ quan, đơn vị khác như Công ty TNHH Dịch vụ Galaxy, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam, Công ty Cổ phần điện lực Easy Credit, Công ty Tài chính Shinhan…

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, sau khi phá vụ án ở Tiền Giang và TP HCM, một số tổ chức núp bóng công ty đòi nợ thuê trái pháp luật này đã có những hoạt động co gọn lại, chuyển địa bàn và nhiều hành vi ứng phó. Bên cạnh đó, các hành vi núp bóng công ty luật, công ty tài chính đòi nợ thuê trái pháp luật, triển khai các hành vi đe dọa khủng bố trên mạng xã hội cũng như đe dọa khủng bố tinh thần của người vay nợ đã giảm hẳn trên cả nước.

Kiểm tra các điểm kinh doanh của F88 tại tỉnh Hà Nam Kiểm tra các điểm kinh doanh của F88 tại tỉnh Hà Nam
Triệt phá ổ nhóm tín dụng đen, bắt giữ 7 đối tượng Triệt phá ổ nhóm tín dụng đen, bắt giữ 7 đối tượng
Núp bóng công ty tài chính để hoạt động “tín dụng đen” Núp bóng công ty tài chính để hoạt động “tín dụng đen”

Trung Kiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.