Tăng nguồn lực, chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý

Tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và đối tượng chính sách nhiều năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, là chỗ dựa đối với người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số… Góp phần giảm bớt những vụ việc vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
-	Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân ở huyện Ba Vì, Hà Nội
Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân ở huyện Ba Vì, Hà Nội.

Cục TGPL thông tin, trong năm 2022, số lượng các vụ việc TGPL tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, số vụ việc thụ lý mới là 25.043 vụ việc, tăng 16%; số vụ việc thực hiện là 38.030 vụ việc, tăng 18%. Báo cáo của 63 Trung tâm TGPL Nhà nước cho thấy, từ ngày 1/11/2021 đến cuối năm 2022, có 7.417 vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá là thành công theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2022 của Bộ Tư pháp.

Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như: Được tăng mức bồi thường thiệt hại hay được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của viện kiểm sát nhân dân, thậm chí được tuyên vô tội…

Đáng chú ý, năm 2022 là năm đầu tiên nội dung TGPL được triển khai đồng bộ trong tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia về: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể, khả thi, phù hợp, không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn.

Tại không ít tỉnh, thành phố, nhiều trợ giúp viên pháp lý thực hiện 70 - 90 vụ việc TGPL tham gia tố tụng trong một năm. Một số đoàn luật sư như Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Đoàn Luật sư TP HCM ngoài việc tổ chức TGPL miễn phí cho người dân ngay tại địa phương còn phối hợp với UBND các tỉnh, TP đưa các nhóm luật sư đi TGPL miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, năm 2023 UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND về triển khai thực hiện nội dung về TGPL của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2023 - 2025. Theo kế hoạch, hằng năm, TP sẽ tổ chức 20 - 25 cuộc truyền thông về TGPL và phổ biến pháp luật trực tiếp cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, mỗi năm, tổ chức 3-5 cuộc tập huấn về kỹ năng thực hiện TGPL trong lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho người làm công tác TGPL; Tổ chức 3 - 5 cuộc tập huấn điểm về các kỹ năng phối hợp thông tin điểm về TGPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập huấn về tiếp cận TGPL đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bồi dưỡng kiến thức TGPL điểm cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có khả năng thông tin, giải thích về TGPL cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện được TGPL đến Trung tâm TGPL Nhà nước và các chi nhánh thuộc Trung tâm khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với Trung tâm TGPL nhà nước và các chi nhánh thuộc Trung tâm…

Năm 2022, Trung tâm TGPL Thà nước TP Hà Nội đã thực hiện truyền thông về TGPL dưới nhiều hình thức cho người được TGPL. Đã tiếp 144 lượt người đến yêu cầu tư vấn tại trụ sở Trung tâm và các Chi nhánh; Tổ chức được 366 cuộc truyền thông về TGPL và tư vấn pháp luật tại các xã, phường, thị trấn, trường học và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn các quận, huyện thuộc TP Hà Nội, đã thu hút được 29.148 lượt người tham dự, tư vấn trực tiếp cho 5.290 lượt người với 5.290 việc thuộc các lĩnh vực pháp luật như hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, hành chính, chính sách ưu đãi…

Cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 1.570 lượt người trong 1.570 vụ việc TGPL, tăng 586 vụ việc so với cùng kỳ năm 2021. 100% các vụ việc trên đều do các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện. 100% Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tham gia vụ việc tố tụng. Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu khá trở lên chiếm tỷ lệ 74,5%, trong đó chỉ tiêu tốt đạt 55,3%; Cử Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 29 vụ việc đại diện ngoài tố tụng (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2021).

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, năm 2023, Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu Cục TGPL xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm chung của hệ thống TGPL trên toàn quốc để các Trung tâm TGPL Nhà nước xây dựng kế hoạch công tác năm, trong đó tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, bám sát vào các bất cập tồn tại hiện nay. Từ đó, tăng nguồn lực, chất lượng thực hiện TGPL.
Tập huấn các kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Tăng cường tuyên truyền thực hiện thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính công ích

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.