Người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu được hưởng những gì?

Nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sau tuổi nghỉ hưu nhằm giúp cải thiện mức lương hưu, gia tăng quyền lợi cho người lao động, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm đóng tiếp theo, người lao động sẽ được trợ cấp thêm 2 tháng lương...
khuyến khích người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu.
Khuyến khích người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu.

Khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu

Lương hưu của người lao động tham gia BHXH được tính bằng tỷ lệ (%) hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu phụ thuộc vào số năm người lao động đóng BHXH.

Đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2023 trở đi, nếu đóng đủ 20 năm BHXH thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng là 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì được tính thêm 2%.

Đối với lao động nữ cũng nghỉ hưu ở thời điểm này, để có mức hưởng lương hưu tối thiểu 45% thì cần đóng đủ 15 năm BHXH. Tỷ lệ hưởng thêm sau mỗi năm tương tự lao động nam.

Tính chung cả 2 giới, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Theo quy định, lao động nam đóng BHXH 35 năm sẽ đạt được mức lương hưu tối đa, lao động nữ thì cần 30 năm.

Thực tế có những lao động tham gia BHXH sớm, ổn định và đóng đủ năm để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa từ khi chưa đến tuổi nghỉ hưu. Từ sau khi đạt mức hưởng lương hưu tối đa, thời gian đóng BHXH sau đó không được tính để tăng tỷ lệ hưởng lương hưu.

Đối với trường hợp này, Điều 58 Luật BHXH năm 2014 quy định: "Người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần".

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (trên 35 năm đối với lao động nam, trên 30 năm đối với lao động nữ) thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng, với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội (sau số năm mà người lao động được tính hưởng theo tỷ lệ 75%) là 0,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là chưa phù hợp, không mang tính chất khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài, đặc biệt là người tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu.

“Với quy định hiện hành, thực tiễn ở một số các đơn vị, doanh nghiệp, khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đạt tỷ lệ tối đa 75%, về cơ bản họ thường lựa chọn chấm dứt hợp đồng để giải quyết hưởng lương hưu với cơ quan bảo hiểm xã hội. Sau đó, mới tiếp tục giao kết tiếp hợp đồng lao động” - ông Cường thông tin.

Vì vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra hai phương án sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Phương án 2: Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Tăng mức trợ cấp với người dư năm đóng BHXH

Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường cho rằng, quy định này không chỉ nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu, mà còn giúp cải thiện mức lương hưu, cũng như gia tăng quyền lợi cho người lao động, góp phần bảo vệ tốt hơn cho người lao động trong quá trình làm việc.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của hơn 17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 là 5,73 triệu đồng. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, mức thu nhập bình quân nhóm đối tượng làm công ăn lương là 7,54 triệu đồng/tháng. Mức đóng bảo hiểm xã hội bình quân hằng tháng bằng khoảng 75 - 76% mức thu nhập bình quân thực tế.

Có doanh nghiệp trả tổng thu nhập cho người lao động 20 - 30 triệu đồng/tháng nhưng đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương 5 - 6 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khó tách bạch các loại phụ cấp cũng như khoản bổ sung khác.

Quy định cứng phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội chỉ có thể thực hiện với doanh nghiệp nhà nước có thang bảng lương thể hiện các khoản cố định, song thực tế cũng mới tính đóng trên 3 loại phụ cấp chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).

Với doanh nghiệp trả lương tối thiểu rất khó quy định cứng phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội, bởi mỗi nơi xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau.

Với phương án dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đưa ra, thu nhập được tính đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động.

Như vậy, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung lớn được sửa đổi bổ sung như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản; bổ sung chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao tính tuân thủ đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 10/2023.

Năm 2023, tuổi nghỉ hưu, lương hưu của người lao động thay đổi như thế nào?
Lương hưu tính thế nào khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm?
Tham gia bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm để hưởng lương hưu tối đa?

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.