3.000 hồ, ao không được san lấp ở Hà Nội và câu chuyện quản lý?

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt danh sách hơn 3.000 ao, hồ không được san lấp trên địa bàn. Cùng với đó, TP yêu cầu các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chỉ trong 3 năm, 3,5ha mặt nước Đầm Bông đã bị san lấp, gần như bị biến mất
Chỉ trong 3 năm, 3,5ha mặt nước Đầm Bông đã bị san lấp, gần như bị biến mất

Đã có tới 21 hồ bị xóa sổ, hơn 150 ha diện tích mặt nước hồ “biến mất”

Theo danh mục được phê duyệt, các quận có số lượng hồ ít như: quận Hoàn Kiếm: 1, Hai Bà Trưng: 9, Ba Đình: 11, Thanh Xuân: 9, Đống Đa: 15, Tây Hồ: 18, Cầu Giấy: 29... Các huyện có số lượng hồ, ao, đầm lớn như: Thanh Oai: 275, Quốc Oai: 276, Thường Tín: 239, Đan Phượng: 210, Phú Xuyên: 201, Mê Linh: 181, Phúc Thọ: 178, Hoài Đức: 126, Thạch Thất: 151. TP giao Sở TN&MT công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn TP theo quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã thông báo, phổ biến nội dung quyết định này đến các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thuộc danh mục hồ, ao đầm không được san lấp trên địa bàn để biết và triển khai thực hiện. Các đơn vị kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích.

Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật. UBND TP Hà Nội đề nghị cộng đồng dân cư không được tự ý san lấp, lấn chiếm trái phép hồ, ao, đầm và cần sử dụng đúng mục đích.

Từ nhiều năm nay, có không ít ao hồ ở Hà Nội bị xâm hại với nhiều hình thức, dẫn tới việc diện tích mặt nước bị thu hẹp diện tích, ô nhiễm môi trường, thậm chí bị trục lợi bất hợp pháp, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc san lấp để nhường chỗ cho các dự án, dẫn đến tỉ lệ bêtông hóa ngày càng lớn.

Như câu chuyện lấn hồ làm dự án tại hồ Bà Đồ (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) dư luận đã lên tiếng phản đối. Người dân sống tại đây đã viết đơn kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Trước phản ứng của các hộ dân, cuối tháng 3/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên đã quyết định tạm dừng việc san lấp để đối thoại với người dân. Thế nhưng, số phận của hồ Bà Đồ đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ...

Mới đây, theo phản ánh của báo chí, khu đất vốn dĩ là phần diện tích ao hồ do UBND xã Hải Bối, huyện Đông Anh quản lý nhưng đang đứng trước nguy cơ biến mất vì nạn đổ phế thải trái phép. Với hàng chục tấn phế thải xây dựng lẫn rác đổ xuống đây, khu ao này có thể vĩnh viễn không khôi phục được nữa. Dọc tuyến đê sông Hồng trên địa bàn huyện Đông Anh thuộc các xã Hải Bối, Võng La, có ít nhất 5 vị trí ao hồ đang bị san lấp bằng phế thải. Chỗ là đất công do xã quản lý, chỗ đã giao cho một số cá nhân thầu khoán theo hợp đồng. Sau khi dựng rào, quây tôn, việc tiếp theo là đổ phế thải để lấp ao, lấp hồ.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Trong 6 quận nội thành, quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845 m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305 m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540 m2…

Trước thực trạng suy giảm ao, hồ, UBND TP Hà Nội cũng đã nỗ lực thúc đẩy công tác kè hồ. Đến năm 2015, có 86 hồ đã kè toàn phần, chiếm 77% số lượng ao, hồ Hà Nội; 13 hồ chỉ kè một phần, chiếm 11,5%; và 13 hồ chưa được kè, chiếm 11,5%... Tuy nhiên, các ao, hồ chưa được kè hoặc chỉ kè một phần luôn đứng trước những nguy cơ bị san lấp, lấn chiếm để làm dự án, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt.

Theo thống kê gần đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Thủ đô hiện chỉ còn lại 111 hồ với tổng diện tích 1.165 ha. Nhiều diện tích ao hồ đã bị san lấp và lấn chiếm. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, tính từ 1990 trở lại đây, tại Hà Nội đã có tới 21 hồ bị xóa sổ, hơn 150 ha diện tích mặt nước hồ “biến mất”.

Được kè hay chưa kè vẫn luôn bị “rình rập” san lấp, lấn chiếm

Hồ nước lớn nhất trong nội thành Hà Nội là Hồ Tây cũng không thoát được “cơn lốc bê tông hóa”. Trước đây, hồ rộng tới hơn 500ha, nhưng sau khi kè bờ để làm đường (năm 2010), nay chỉ còn khoảng 460ha. Hay như hồ Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, hồ rộng mênh mông, nước trong veo.

Người dân quanh hồ Hạ Đình còn có thể canh tác rau muống trên mặt hồ để tăng thu nhập. Thế nhưng, theo thời gian hồ bị thu hẹp để xây dựng trường học, đường giao thông và có không ít diện tích do người dân lấn chiếm. Nước trong hồ cũng bị ô nhiễm dần, rau muống hồ Hạ Đình đến nay không còn nữa.

Hồ Ngòi Cầu Trại (khu vực giáp ranh giữa hai phường Mỗ Lao, quận Hà Đông và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Hồ nằm giữa chung cư cao cấp Mulberry Lane và khu đô thị Làng Việt kiều châu Âu. Quanh hồ đã được kè cùng với đường nhựa chạy quanh 2/3 chu vi. Tuy nhiên, hiện nay một nửa hồ đã không còn nước. Hai nửa bị ngăn cách bởi một con đường đất và phế thải.

Mặt hồ tiếp giáp khu dân cư khang trang dù có đường và kè vẫn bị lấn chiếm công khai. Mép kè cũ lùi xa mép nước từ 5 - 7m, trên đó là hàng loạt quán nước vỉa hè, quán cà phê, chòi câu cá, tiệm rửa xe... thoải mái hoạt động. khiến người dân khu vực rất bức xúc. Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị và báo chí đã phản ánh nhưng thực trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Phía hồ cạn nước, tình trạng lấn chiếm còn khủng khiếp hơn. Hàng chục căn nhà cấp bốn có cả công trình phụ phủ kín phía ngoài, lòng hồ bị xẻ lô trồng rau và đổ phế thải. Với tốc độ lấn chiếm hiện tại, có lẽ chỉ trong vòng vài năm tới thì một nửa hồ Ngòi Cầu Trại sẽ mất hẳn, nhường chỗ cho một “xóm liều” mới mọc lên. Ao Kim Âu nằm ngay sát khu đô thị Đặng Xá (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khỏi bản đồ do hoạt động đổ thải, san lấp trái phép.

Theo người dân phản ánh, thi thoảng có những đoàn xe chở rác thải xây dựng về đây đổ, 3/4 diện tích ao đã bị lấp bởi rác thải xây dựng và cả rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt nghiêm trọng là tại Đầm Bông (phường Định Công, quận Hoàng Mai) chỉ trong hơn 3 năm trở lại đây, hầu hết diện tích Đầm Bông đã bị san lấp, xây dựng nhưng chính quyền địa phương cho rằng chỉ là "vi phạm nhỏ lẻ", do "lịch sử để lại".

Về vụ việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm, đã chỉ đạo UBND TP và quận Hoàng Mai đưa khu vực Đầm Bông về đúng quy hoạch công viên, còn chỗ nào bị lấn chiếm thì xử lý theo quy định.

Ngoài những địa điểm được đề cập đến trong bài viết, vẫn còn hàng chục ao hồ của Hà Nội đang bị “bức tử” do các hoạt động kinh tế, do các hoạt động san lấp, lấn chiếm trái phép, đe dọa trực tiếp đến không gian sống và môi trường sống của người dân Thủ đô. Bảo vệ diện tích ao hồ cần sự nỗ lực chung tay của các cấp, ngành và cả người dân.

Hà Nội phê duyệt danh mục hơn 3.100 hồ, ao, đầm không được san lấp
Hạ rào công viên và câu chuyện ý thức, công tác quản lý
Hà Nội: Công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản được đẩy mạnh

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.