Tranh cãi "nảy lửa" về tính pháp lý trong việc khoá bánh xe ô tô trong các khu đô thị

Những tranh cãi, mâu thuẫn, xung đột về việc đỗ xe, đảm bảo trật tự an toàn ở các khu đô thị, khu chung cư đang diễn ra khá phổ biến. Chính vì vậy, cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý tốt hơn nữa khu chung cư, khu đô thị.
Tranh cãi "nảy lửa" về tính pháp lý trong việc khoá bánh xe ô tô trong các khu đô thị
Một trường hợp ô tô bị khóa bánh trong khu đô thị do đỗ sai quy định

Xung đột vì thiếu chỗ đỗ ô tô

Thời gian qua, nhiều cư dân tại các KĐT mới ở Hà Nội “kêu khổ" khi họ bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ cao cấp nhưng những trải nghiệm trong cuộc sống “không được như kỳ vọng” vì thiếu chỗ đỗ xe. Điển hình tại các khu chung cư Imperia Sky Garden, Goldmark City...

Tình trạng này kéo dài dẫn đến những xung đột giữa nhóm cư dân với nhau và giữa cư dân với bảo vệ. Mỗi khi bị khóa bánh, họ mất khá nhiều thời gian để liên hệ bảo vệ, viết giấy cam kết, photo giấy tờ xe và mới đây nhất là phải nộp phí theo quy định.

Đồng thời, trên nhiều nhóm cư dân tại các KĐT mới, không ít người bày tỏ bức xúc khi bị lực lượng bảo vệ khóa bánh xe. Một số người còn chỉ nhau cách sắm riêng một bộ cắt khóa để chống đối bảo vệ. Họ cùng đưa ra lý do “anh không có quyền khóa bánh xe tôi”.

Luận bàn về vấn đề này, ông Trần Khánh, Chủ tịch CLB Quản lý toà nhà Hà Nội cho rằng, điểm chung của tình trạng mất ANTT tại các khu vực này là do thiếu điểm đỗ ô tô cho cư dân. Thực tế, trong định hướng của Nhà nước, của thành phố cũng đã những quy định cụ thể, như một tòa nhà thì bao nhiêu tầng hầm để đáp ứng nhu cầu trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Cụ thể, Nhà nước quy định chung cư cao tầng phải dành tối thiểu 20 mét vuông đỗ xe trên 100 mét vuông sàn diện tích sử dụng, nhưng thực tế lại rất khác. Theo ông Khánh, không có một quốc gia, một thành phố phát triển nào có đủ nguồn lực về đất đai, về không gian để cung cấp cho tất cả các nhu cầu đỗ xe, đặc biệt là ở những thành phố mà đang trong giai đoạn phát triển nóng về phương tiện cơ giới cá nhân.

Hà Nội không phải ngoại lệ khi tốc độ tăng trưởng mua sắm ô tô cá nhân trên 10%/năm, nhưng tỉ lệ này với năng lực cung cấp hệ thống đỗ xe chỉ dưới 1%/năm. Về lâu dài, mức độ mất cân bằng sẽ ngày càng lớn, phát sinh nhiều vấn đề, bãi giữ xe lậu, mất an ninh trật tự là hệ quả nhãn tiền.

Để giải quyết vấn đề này, hầu hết các nước trên thế giới đều phải tăng cường quản lý để hạn chế sự gia tăng các phương tiện cá nhân, đồng thời, nâng cao năng lực của hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra, tại các thành phố hiện đại trên thế giới hiện nay, các bãi đỗ xe phải được tồn tại một cách hợp pháp.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong câu chuyện tìm chỗ đỗ xe cũng như xử lý vi phạm về đỗ xe không đúng quy định trong các KĐT mới. Trong đó, một số nguyên nhân cụ thể như ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người chưa tốt dẫn đến tùy tiện trong việc dừng đỗ xe, kể cả là dưới lòng đường, vỉa hè hoặc trong các KĐT dẫn đến cản trở giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt chung.

Nếu trường hợp bảo vệ của KĐT xử lý vi phạm đối với các phương tiện dừng đỗ thuộc khu vực nhà nước quản lý thì sai thẩm quyền, nếu là hành vi khóa bánh xe, niêm phong, cẩu xe đi nơi khác thì rõ ràng là đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và hoàn toàn có thể gây ra thiệt hại vật chất đối với chủ xe.

“Chỉ có những khu vực sử dụng chung, nằm trong sự quản lý của Ban Quản lý KĐT, Ban Quản lý khu nhà ở chung cư thì lực lượng bảo vệ mới được quyền thực hiện nhiệm vụ theo nội dung quy chế quản lý KĐT, khu chung cư”, luật sư Thái cho biết và cho rằng, quy chế quản lý nhà chung cư hay quy chế quản lý KĐT thì đây là hoạt động tự quản, trên cơ sở sự nhất trí của chủ sở hữu chung của KĐT, khu chung cư đó. Khi đó có quy chế được xây dựng hợp lệ, hợp pháp thì lực lượng bảo vệ có trách nhiệm thực hiện theo quy chế đó.

Luận bàn về việc, lực lượng bảo vệ thực hiện hành vi "khóa bánh xe ô tô" đang xảy ra rất nhiều ở các KĐT gây ra những tranh cãi, xung đột. Việc khóa bánh xe ô tô rõ ràng không phải là một biện pháp hành chính theo quy định pháp luật, mà đây là những biện pháp "tự phát" mà các khu chung cư, KĐT "học theo, làm theo nhau" để có tính chất răn đe đối với những người đỗ xe không đúng nơi quy định.

Việc khóa bánh xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công việc, thậm chí có thể gây hư hại tài sản của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt là những phương tiện đắt tiền hoặc những phương tiện mưu sinh, sử dụng thường xuyên thì khi bị khóa bánh tét dễ gây tâm lý ức chế, xung đột. Ngoài ra, thái độ và cách ứng xử giữa người lái xe với lực lượng bảo vệ không phải lúc nào cũng ôn hòa và chuẩn mực. Chính vì vậy việc áp dụng biện pháp khóa bánh xe ở khu đô thị rất dễ gây ra xung đột, mất ANTT.

Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và có những hướng dẫn cụ thể để tăng cường công tác quản lý ở các KĐT, khu chung cư. Đồng thời, có cơ chế để xây dựng quy chế cụ thể và các biện pháp đảm bảo thực hiện. Việc lựa chọn huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng bảo vệ, lực lượng tự quản ở các KĐT, khu chung cư cũng cần được quan tâm để giảm bớt những mâu thuẫn, tranh chấp không cần thiết có thể xảy ra.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Cục CSGT cũng cho biết đối với các tuyến đường trong khu chung cư, để được coi là một tuyến đường giao thông do Nhà nước quản lý thì phải có quyết định bằng văn bản của bộ trưởng GTVT nếu đấu nối với quốc lộ, cao tốc; chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với đường địa phương. Nếu chưa có văn bản quyết định đấu nối, đây là khu vực công cộng hoặc khu vực nội bộ của cá nhân, tổ chức.
3 xe ô tô bùng cháy trong đêm, phát hiện 1 thi thể trong xe tải
Chủ trương kịp thời, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý đô thị
Tranh cãi “nảy lửa” xung quanh việc mua chung cư hay nhà đất trong ngõ về lâu về dài
Vụ tài xế taxi cố tình tông xe vào bảo vệ khu đô thị: Hành vi nông nổi để lại hậu quả nghiêm trọng

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.