Thanh Hóa:

Gặp gỡ, lắng nghe cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp

Sáng 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp (DN) năm 2023 với chủ đề: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cùng đại diện các sở ban ngành tham dự hội nghị và lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện các sở ban ngành tham dự hội nghị và lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp

Hội nghị gặp gỡ DN năm 2023 được tổ chức nhằm tiếp nhận các phản ánh, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN; trên cơ sở đó, các cấp chính quyền và DN cùng trao đổi, giải đáp, tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Các kiến nghị, đề xuất được tổng hợp thành các nhóm nội dung, như sau: Vướng mắc về thủ tục pháp lý; bất cập về các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, gia hạn thời gian sử dụng đất, vốn hóa giá trị quyền sử dụng đất; công tác phòng cháy, chữa cháy; các chính sách thuế hỗ trợ DN, các chi phí thuế tài nguyên, thuế môi trường, thuế nhập khẩu, giá thuê đất; tiếp cận vốn ngân hàng; giá vật liệu xây dựng; tuyển dụng lao động; kết nối thị trường tiêu thụ; bố trí vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư các khu tái định cư; hỗ trợ thủ tục tiếp nhận chuyên gia nước ngoài; quy hoạch các bãi đậu đỗ xe và hoạt động của xe điện tại các khu du lịch; thực hiện thủ tục hành chính, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Cộng đồng DN đề xuất tháo gỡ bất cập trong công tác PCCC

Tại hội nghị, ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa đã trình bày về những khó khăn, vướng mắc về quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) mà các DN ngành dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt. Đồng thời, thể hiện mong muốn tỉnh, các sở, ngành đơn vị liên quan cùng chung tay, hỗ trợ để các DN trong lĩnh vực dệt may và da giày vượt qua khó khăn và từng bước thực hiện lộ trình hoàn chỉnh hệ thống PCCC đáp ứng yêu cầu của pháp luật.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa
Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa đề xuất tháo gỡ khó khăn cho DN trong công tác PCCC.

Ông Lâm dẫn chứng về những hệ lụy từ việc không đáp ứng quy định về PCCC, như: DN vi phạm PCCC không đánh giá được tiêu chuẩn quy định để sản xuất hàng xuất khẩu, không đủ điều kiện để ký hợp đồng với những khách lớn có giá trị cao. Điều này gây ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN và ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động.

Cùng kiến nghị khó khăn trong vấn đề PCCC, ông Trần Quốc Trường - Chi hội phó Chi hội DN Khu công nghiệp (KCN) Đình Hương - Tây Bắc Ga, cho biết: KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chuẩn PCCC mới, theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng với bị xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng, thì các DN hiện đang bị tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất từ cuối năm 2022 để khắc phục.

Hiện nay, một số DN đã chấp hành xử phạt hành chính. Nhiều DN cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư, cải tạo, phá bỏ nhiều công trình tốn kém phi phí.

Bên cạnh đó, nhiều DN không đồng bộ về các thủ tục hồ sơ hiện có với hồ sơ PCCC dẫn đến không đủ điều kiện nghiệm thu. Các DN tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng và có phương án cải tạo, nâng cấp hạ tầng PCCC bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy mô sản xuất tại KCN Tây Bắc Ga, hạn chế chi phí đầu tư hạ tầng PCCC nội bộ và tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất; sớm xem xét, phê duyệt, ban hành quy hoạch điều chỉnh chi tiết KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga và chỉ đạo các sở, ngành, tạo thuận lợi cho DN đồng bộ các thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với chủ trương đầu tư và các thủ tục hồ sơ liên quan để thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC.

Bên cạnh đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương xem xét, trên cơ sở phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ để giãn lộ trình thực hiện một số quy định, tạo điều kiện cho DN khắc phục.

DN khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng

Với nhóm DN lĩnh vực dịch vụ thương mại và du lịch, các DN đã kiến nghị nhiều vướng mắc liên quan đến lãi suất ngân hàng ở mức cao; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay.

Bà Trịnh Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hoá chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn
Bà Trịnh Thị Loan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa chia sẻ về khó khăn của DN trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Bà Trịnh Thị Loan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, đa số DN trong Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh sau thời gian gần 3 năm dừng hoặc tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp sau thời gian không hoạt động, việc đầu tư gần như phải làm mới hoàn toàn, nhưng rất khó tiếp cận vốn vay trong giai đoạn hiện nay.

Các DN kiến nghị ngành ngân hàng cần đánh giá lại tài sản thế chấp theo giá hiện hành đối với các DN cần đảo nợ, vì giá trị tài sản thế chấp (đất đai, tài sản khác) đã thay đổi rất nhiều so với đánh giá trước đây. Trong khi các ngân hàng chỉ trừ lùi khấu hao hàng năm mà chưa tính đến giá trị tài sản thế chấp cũng đang tăng giá hàng năm.

Bên cạnh đó, đề nghị chính quyền làm việc với các ngân hàng để có chính sách cho DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi (khung lãi suất thấp nhất cho phép - khung đáo hạn dài nhất) để tháo gỡ phần nào vốn vay cho DN hiện nay. Nhà nước nên quản lý và quy định mức lãi suất trần để đưa lãi suất vào khung và các ngân hàng cũng điều tiết lợi nhuận để đưa ra mức lãi suất hợp lý…

Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô năm 2023
Thanh Hóa: Ưu tiên tháo gỡ khó khăn về việc làm cho người lao động
Hà Nội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh karaoke
Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuốc, trang thiết bị y tế
Tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển bền vững

Huy Hoàng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.