Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi):

Cần có cơ chế chính sách đặc thù làm sống lại các dòng sông

Cho rằng hệ thống sông, hồ của Hà Nội là những yếu tố quan trọng tạo nên sức sống đặc thù ở Thủ đô, theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, cần có cơ chế chính sách đặc thù làm sống lại, thức tỉnh các chức năng, thế mạnh của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và sông Nhuệ…
Cần có cơ chế chính sách đặc thù làm sống lại các dòng sông
Hệ thống sông, hồ của Hà Nội là những yếu tố quan trọng tạo nên sức sống đặc thù ở Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi), theo PGS.TS Đặng Văn Bài, cần có cơ chế đặc thù đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn di sản văn hoá của Thủ đô Hà Nội.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, mục tiêu chung của hoạt động quản lý văn hoá bao gồm những yếu tố: Giải phóng những ràng buộc, tháo gỡ nút thắt kìm hãm sự phát triển của văn hoá tạo ra năng lực cạnh tranh, phát triển sự nghiệp văn hoá đồng thời với việc hình thành thị trường văn hoá; Biến hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành nền tảng tư tưởng của xã hội, kim chỉ nam cho các hoạt động văn hoá. Đồng thời khắc phục yếu kém trong hoạt động văn hoá để từng bước thích ứng và phát triển trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ đó, chính sách đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn di sản văn hoá cũng phải hướng tới những mục tiêu nói trên.

PGS.TS Đặng Văn Bài lập luận, trong cơ chế thị trường, văn hoá không thể nằm ngoài thị trường, không thể không trở thành hàng hoá trao đổi trên thị trường. Cần phân biệt rõ, việc xây dựng thị trường văn hoá cũng như đưa các sản phẩm văn hoá – nghệ thuật lưu thông trên thị trường, không phải là thương mại hoá các hoạt động văn hoá nghệ thuật.

Sáng tạo hoặc sản xuất ra các sản phẩm văn hoá với tư cách là loại hàng đặc thù có sự cân bằng giữa khả năng phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của con người và khả năng đưa các lợi nhuận cho người sáng tạo và đầu tư cho hoạt động văn hoá là xu thế chung mà toàn nhân loại đang theo đuổi mà không bao giờ là thương mại hoá các hoạt động văn hoá. Đó cũng là lý do buộc chúng ta phải có chính sách đặc thù đầu tư chiều sâu cho phát triển văn hoá.

Chính sách đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn di sản văn hoá của Thủ đô Hà Nội phải được hoạch định trên cơ sở Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 4 mục tiêu lớn: “(1) Xây dựng và phát triển văn hoá con người Việt Nam toàn diện phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… (2) Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

(3) Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hoá gắn với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá có tiềm năng và lợi thế; (4) Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hoá, con người”.

Từ những phân tích đó, theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Luật Thủ đô cần tạo ra khung pháp lý cho việc hoạch định các chính sách đặc thù đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn di sản văn hoá ở một số mặt hoạt động cụ thể.

Thứ nhất, ông cho rằng, vấn đề sở hữu về đất đai thuộc di tích cần được cụ thể, rõ ràng. Theo tinh thần của Luật Di sản văn hoá năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật DSVH), các hình thức sở hữu tư nhân đều được đặt dưới sự bảo hộ của Luật DSVH. Tuy nhiên các di tích thuộc sở hữu của dòng họ, hay các di tích là các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng sau khi được xếp hạng thì “sổ đỏ” - quyền sử dụng đất sẽ do ai đứng tên. Thực tế cho thấy, vấn đề cấp sổ đỏ cho di tích không được xử lý dứt điểm sẽ dẫn đến sự tranh chấp dân sự đôi khi là những xung đột xã hội gay gắt và vấn đề này vượt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật DSVH, nên rất cần được xem xét trong Luật Đất đai.

Thứ hai, về mặt văn hoá và di sản văn hoá, Hà Nội có nhiều đặc thù và lợi thế về tiềm năng cho phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, mà phần lớn các tài nguyên và lợi thế của Hà Nội lại hội tụ trong di sản văn hoá làng, trong các làng nghề và phố nghề. Đó là các khu vực đông đặc các di sản văn hoá đang chịu áp lực rất lớn của quá trình đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới. Vậy phải chăng, từ thực tế của Hà Nội chúng ta cần xem xét vấn đề đầu tư cho phát triển văn hoá và bảo tồn di sản văn hoá trong chương trình mục tiêu quốc gia về “Đại chấn hưng văn hoá Việt Nam”…

Thứ ba, hệ thống sông, hồ của Hà Nội là những yếu tố quan trọng tạo nên sức sống đặc thù ở Thủ đô. Ông cho rằng, nước nào cũng đầu tư vào việc tạo lập các cảnh quan – văn hoá, không gian công cộng ở đôi bờ các dòng sông văn hoá. Người Hà Nội hôm nay chưa biết tận dụng, lợi dụng thế mạnh sẵn có của các dòng sông cổ, thậm chí còn có thái độ ứng xử sai lầm khiến cho các con sông đã đi vào lịch sử bị ô nhiễm nghiêm trọng, bị san lấp, bị cống hoá. Đã đến lúc phải có cơ chế chính sách đặc thù làm sống lại, thức tỉnh các chức năng, thế mạnh của sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và sông Nhuệ để tạo lập những cảnh quan sinh thái điển hình dọc theo đôi bờ các dòng sông lớn.

Thứ tư, với tư cách là thành viên trong hệ thống các thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, trong đó có ưu tiên cho phát triển du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng trên nền tảng “kinh tế nông nghiệp” ở các vùng quê ở ngoại ô. Đặc biệt là tạo lập các không gian sáng tạo cho phát triển văn hoá.

Thứ năm, trong suốt chiều dài lịch sử từ khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Tràng An – Ninh Bình ra Thăng Long – đất Rồng bay đến hôm nay, Thủ đô Hà Nội luôn có lợi thế hơn hẳn các địa phương khác về nguồn nhân lực có chất lượng. Tuy vậy lợi thế đó cũng chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công nghiệp và hiện đại hoá Thủ đô.

Do đó, chắc chắn phải có chính sách ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo nâng cao năng lực cho công dân Thủ đô, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý văn hoá và cùng với đó là chính sách thu hút sử dụng nhân tài từ các cơ quan Trung ương và các địa phương cả nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Việc thực hiện các chính sách đặc thù bước đầu có được
Xây dựng Luật Thủ đô (Sửa đổi) cần rà soát chọn lọc một số giải pháp chính sách trọng tâm

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.