Quản lý, khám chữa bệnh đối với người tâm thần: Đừng để tiếp diễn những sự việc đau lòng

Kỳ cuối: Quy định pháp luật còn nhiều bất cập

Hiện nay chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu đối với người tâm thần trong cộng đồng, cũng như chưa có giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của họ trong khi những người này tiếp tục sống trong cộng đồng. Cả Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP đều không quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người tâm thần bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, khi họ có biểu hiện mắc bệnh để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Công tác khám chữa bệnh tại BV Tâm thần TW 1
Công tác khám chữa bệnh tại BV Tâm thần TW 1.

Dù nhiều Bộ, ngành đã chỉ rõ bất cập, Nghị định 64 vẫn chưa được sửa đổi

Trong cuộc họp giữa Bộ Y tế với các Bộ, ngành liên quan về tiếp nhận, điều trị và quản lý bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh tâm thần diễn ra vào cuối tháng 9/2022, theo đánh giá của Bộ Y tế thì trong hơn 11 năm triển khai thực hiện Nghị định 64/2011/NĐ-CP, các đơn vị thực hiện công tác điều trị bắt buộc chữa bệnh đã phản ánh rất nhiều bất cập của Nghị định; Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, gửi các Bộ ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ CA, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về các bất cập của văn bản và đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung văn bản này cho phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định số 64 vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung nên cũng rất khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo quy định tại Nghị định số 64, hiện có 5 đơn vị thuộc ngành Y tế được giao tiếp nhận, điều trị và quản lý bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh là Viện Pháp y tâm thần TW, BV Tâm thần TW 1, BV Tâm thần Đà Nẵng, Phân Viện Pháp y tâm thần TW Biên Hòa và BV Tâm thần TW 2 tiếp nhận, điều trị, quản lý trên 700 đối tượng bắt buộc chữa bệnh, trong đó tỷ lệ đối tượng phạm tội nguy hiểm như giết người rất cao. Riêng Phân viện Pháp y tâm thân Bắc miền Trung tiếp nhận, điều trị và quản lý 11/12 đối tượng bắt buộc chữa bệnh là phạm tội “Giết người”, 1 đối tượng chống phá Nhà nước.

Các cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực y tế. Nghị định 64/2011/NĐ-CP quy định việc quản lý người bệnh bắt buộc chữa bệnh như người bệnh tâm thần khác không được phân biệt đối xử, do cơ quan y tế đảm nhiệm kể cả việc tìm kiếm là chưa hợp lý.

Đối tượng người bệnh bắt buộc chữa bệnh thực tế là phạm nhân bị bệnh tâm thần, phần lớn là đối tượng xã hội phức tạp, nguy hiểm. Việc giao trách nhiệm quản lý đối tượng người bệnh này cho nhân viên y tế như hiện nay thực sự là nhiệm vụ quá sức, tạo áp lực rất lớn cho nhân viên y tế.

Thực tế, nhiều vụ việc xảy ra trong thi hành bắt buộc chữa bệnh đều liên quan trực tiếp tới công tác quản lý người bệnh, áp lực trách nhiệm và lo sợ mất an toàn cho bản thân và gia đình làm nhiều nhân viên y tế không muốn, thậm chí sợ hãi phải tiếp nhận điều trị đối tượng này.

Khi người bệnh trốn viện, việc tổ chức tìm kiếm của nhân viên y tế chỉ thực hiện được ở mức như tìm kiếm người bệnh tâm thần trốn viện. Việc yêu cầu quyết liệt truy tìm như truy nã phạm nhân trốn trại đối với nhân viên y tế thực sự là quá sức và rất nguy hiểm, rất cần sự tham gia chỉ đạo của cơ quan CA, Viện Kiểm sát và Tòa án các cấp....

Lãnh đạo các BV Tâm thần và Viện Pháp y trên toàn quốc đều thống nhất quan điểm rằng, đối với người bệnh tâm thần vừa có yếu tố tội phạm, vừa có yếu tố bệnh tâm thần, do đó công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn như người bệnh tấn công, bắt làm con tin, đe dọa nhân viên y tế và người thân của họ. Khi người bệnh trốn viện, việc thực hiện nhiệm vụ truy tìm đưa người bệnh trở lại điều trị rất vất vả, thách thức vì BV chỉ là cơ sở y tế, không có nghiệp vụ như ngành CA. Sự phối hợp với cơ quan tố tụng để người bệnh trốn viện quay trở lại bắt buộc chữa bệnh cũng gặp nhiều khó khăn. Viện gửi thông báo về việc phối hợp truy tìm đến CA cấp tỉnh bị trả lại do Điều 10 Nghị định 64 không quy định cụ thể trách nhiệm thuộc về bộ phận nào, phòng nào của CA cấp tỉnh.

Vì Nghị định không quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, do đó nhiều trường hợp khi làm công văn thông báo tình trạng người bệnh đã ổn định, không cần bắt buộc chữa bệnh, đề nghị ra quyết định trưng cầu giám định sau bắt buộc để làm các thủ tục giải quyết cho người bệnh ra viện nhưng cơ quan tố tụng không ra quyết định.

Về vấn đề này, tại hội nghị thời điểm đó, đại diện Bộ Công an cho biết, theo phản ánh của CA địa phương, sau khi bắt buộc chữa bệnh có thông báo tình trạng người bệnh khỏi bệnh thì CA tiếp nhận, còn ổn định là chưa khỏi bệnh nên không có căn cứ tiếp nhận.

Những băn khoăn về các phương án sửa đổi

Bộ Công an hiện đang xây dựng dự thảo nghị định sửa quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh, trong đó đề xuất nhiều điểm mới liên quan đến người tâm thần phạm tội.

Bộ Công an cho biết đối tượng bị mắc bệnh tâm thần gây án vừa có yếu tố bệnh lý vừa có yếu tố tội phạm. Theo quy định hiện nay, việc áp dụng biện pháp chữa bệnh được trừ vào thời gian chấp hành án của đối tượng. Trong khi đó, cán bộ chuyên môn của Bộ Y tế chỉ có chuyên môn về công tác khám, điều trị bệnh, hạn chế trong công tác quản lý đối tượng có yếu tố tội phạm.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự, Nghị định 64 đang quy định không được phân biệt đối xử đối với người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Do đó, cơ sở giám định, điều trị không có hành lang pháp lý và chưa đủ điều kiện vật chất để bố trí khu điều trị riêng đối với các đối tượng này.

Luật hiện nay quy định “không được phân biệt đối xử” nên có thể dẫn đến trường hợp đối tượng được nghỉ phép về nhà, được gặp người thân, được người nhà vào buồng bệnh chăm sóc, được sử dụng điện thoại di động dẫn đến tình trạng lợi dụng việc đi giám định, chữa bệnh tâm thần để có cơ hội tiếp xúc, thông cung và đối phó với cơ quan tiến hành tố tụng.

Cá biệt có trường hợp đã lợi dụng chính sách không được phân biệt đối xử để trốn khỏi nơi bắt buộc chữa bệnh và tiếp tục phạm tội.

Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Công an cho rằng cần sửa đổi nghị định theo hướng quản lý chặt những người bị áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời đưa ra hai phương án sửa đổi.

Thứ nhất là quy định người bị bắt buộc chữa bệnh có chế độ điều trị, quản lý khác so với những người bị bệnh tâm thần khác. Mặt thuận lợi của phương án này là đối tượng được quản lý theo chế độ riêng, không gian riêng, dễ cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh theo dõi, quản lý, không để đối tượng trốn, không để đối tượng có cơ hội gây khó khăn cho hoạt động điều tra của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Chuyên gia cho rằng giải pháp của Bộ Công an chưa phù hợp với quy định của luật và không hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội.

Phương án 2 là quy định rõ đối với những người bị áp dụng bắt buộc chữa bệnh thì không phân biệt đối xử trong điều trị, còn quản lý thì theo chế độ riêng của Bộ Y tế. Bên cạnh những thuận lợi như dễ theo dõi, quản lý thì theo Bộ Công an, nếu áp dụng phương án này thì sẽ khó khăn trong việc giải thích từ ngữ tại khoản 1 Điều 138 Luật Thi hành án dân sự (cụm từ “không phân biệt đối xử”). Sau khi đánh giá tác động, Bộ CA lựa chọn phương án 2 và đưa vào dự thảo nghị định sửa đổi.

Về đề xuất này, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP HCM) từng phân tích, khoản 1 Điều 138 Luật Thi hành án hình sự quy định cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị bắt buộc chữa bệnh và không được phân biệt đối xử. Về mặt pháp lý, lựa chọn của Bộ Công an là không phù hợp với quy định trên. TS. Tuấn cho rằng chính sách hình sự có tính tối ưu nhất trong phòng, chống tội phạm với trường hợp này là phải ưu tiên chữa bệnh cho họ để họ có thể tự cải tạo.

Cùng với đó, khó có thể chia tách bệnh viện thành hai bộ phận người bị mắc bệnh tâm thần có hành vi phạm tội và người mắc bệnh bình thường vì sẽ dẫn đến sự tốn kém không cần thiết cho xã hội như về nhân sự điều trị, về diện tích bệnh viện, về vật chất điều trị của các bệnh viện có tính chất dân sự. Bởi lẽ nguồn lực đó sẽ được sử dụng để điều trị tối ưu cho nhiều người khác trong xã hội. Nói cách khác, giải pháp của Bộ Công an không hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội.

Bộ CA cũng đề xuất bổ sung quy định giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác truy tìm đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Đồng thời, Nghị định mới nên giải thích rõ “khỏi bệnh” nghĩa là tình trạng ổn định bệnh, không cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Kỳ 1: Nỗi ám ảnh khi người tâm thần phạm tội
Kỳ 2: Ứng xử thế nào với người tâm thần và người tâm thần phạm tội

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.