Bộ Nội vụ đề xuất tăng số lượng và mức phụ cấp cho cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố

Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Bộ Nội vụ đề xuất tăng số lượng và mức phụ cấp cho cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố
Theo đề xuất, cả nước sẽ tăng thêm 7.418 cán bộ, công chức cấp xã và 7.418 NHĐKCT ở cấp xã với tổng mức chi ngân sách tăng thêm là 4.686 tỷ đồng/năm

Tăng gần 15.000 cán bộ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Theo đề xuất, cả nước sẽ tăng thêm 7.418 cán bộ, công chức cấp xã và 7.418 NHĐKCT ở cấp xã với tổng mức chi ngân sách tăng thêm là 4.686 tỷ đồng/năm.

Theo quy định hiện hành, số cán bộ, công chức đối với xã và thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 - 18 người. Ngoài ra, tổng số lượng NHĐKCT đối với cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người. Đề xuất cũng bổ sung quy định tăng thêm số lượng công chức cấp xã và NHĐKCT ở cấp xã tại những đơn vị hành chính (ĐVHC) có dân số đông và không khống chế tối đa số lượng này.

Cụ thể, với phường thuộc quận, dân số tăng thêm 5.000 người được tính thêm một công chức và một NHĐKCT. Đối với các đơn vị hành chính còn lại, cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về dân số thì được tăng thêm một công chức và một NHĐKCT.

UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã và NHĐKCT ở cấp xã của từng ĐVHC cấp huyện thuộc phạm vi quản lý phù hợp. Tuy nhiên việc này phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và NHĐKCT ở cấp xã tính cho cả cấp tỉnh theo quy định.

Số biên chế này sẽ được khoán cho từng địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) quyết định cụ thể số lượng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhưng không vượt quá tổng số của cả tỉnh, huyện được giao.

Đề xuất tăng mức phụ cấp

Thêm vào đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất tăng mức khoán quỹ phụ cấp NHĐKCT ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/1 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người).

Ngoài ra, đối với những nơi có dân số đông được tăng thêm NHĐKCT thì cứ tăng 1 người sẽ được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người tăng thêm.

Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đề xuất tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3 - 5 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6 lần mức lương cơ sở.

Trong đó, tăng mức khoán từ 5 lên 6 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với: Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã biên giới, hải đảo.

Tăng mức khoán đối với các thôn, tổ dân phố còn lại từ 3 lên 4,5 lần mức lương cơ sở và bổ sung đối với tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên cho phù hợp với thực tiễn và tương quan với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên.

UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với NHĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và chi hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố (ngoài 3 chức danh NHĐKCT).

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng áp dụng từ ngày 1/7/2023 thì tổng mức chi ngân sách tăng thêm là 4.686 tỷ đồng/năm sau khi tăng thêm.

Đề xuất tăng mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng
Bộ Nội vụ: Đề xuất cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo “tự nguyện tinh giản biên chế”
Vì sao đề xuất bỏ dấu vân tay và quê quán trên Căn cước công dân?

Dương Kim Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.