Thị trường vật liệu xây dựng ảm đạm vẫn tìm được tốp 10 của Vietnam Report

Bức tranh về thị trường vật liệu xây dựng được nhìn nhận rõ nét hơn trong báo cáo do Vietnam Report công bố ngày 24/3, nhân dịp tổ chức này công bố danh sách Top 10 công ty vật liệu xây dựng năm 2023. Điểm nổi bật của thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, dù tình hình tiêu thụ hết sức ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá.
Thị trường vật liệu xây dựng ảm đạm vẫn tìm được tốp 10 của Vietnam Report

Thị trường vật liệu xây dựng ảm đạm vẫn tìm được tốp 10 của Vietnam Report

Top 10 công ty vật liệu xây dựng năm 2023

Trải qua một năm đầy biến động, nhà đầu tư, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với khó khăn chồng khó khăn. Từ sự suy giảm nguồn cung giai đoạn trước COVID-19, những hệ lụy của đại dịch cho tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, biến động giá nguyên vật liệu, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh… Các doanh nghiệp trong ngành chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng chính bối cảnh khó khăn đó càng làm nổi bật những doanh nghiệp trụ cột với sức chống chịu tốt, được Vietnam Report vinh danh trong Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2023.

Sau một năm lỗ kỷ lục được ví như phải trải qua ''cơn lốc xoáy", Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vẫn tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng công ty vật liệu xây dựng (VLXD) hàng đầu Việt Nam năm 2023. Đây cũng là gương mặt hiếm hoi vẫn bảo toàn được vị trí sau một năm đầy biến động của ngành thép.

Nếu như năm ngoái, Hoa Sen nối gót Hòa Phát ở vị trí thứ 2 thì năm nay đã rơi xuống top 4. Trong khi đó, Vicostone và Viglacera vượt mặt Hoa Sen để thăng hạng.

Các vị trí còn lại hầu hết là những đại diện quen thuộc của năm ngoái với sự xáo trộn thứ hạng. Duy nhất ở top 10, Eurowindow đã thế chân Tôn Đông Á, đẩy "á quân ngành mạ'' rời khỏi bảng xếp hạng

Giá thép trải qua 30 lần điều chỉnh

Biến động mạnh nhất của thị trường VLXD là từ cuối năm 2022 đến nay, mặt hàng thép xây dựng, có thời điểm giá thép lên đến gần 21 triệu đồng/tấn, vượt xa đỉnh cũ của năm 2021. Giá mặt hàng này trải qua gần 30 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 8 xuống xung quanh 14 triệu đồng/tấn. Tính chung năm 2022, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 6,96%.

Còn tính từ đầu năm tới nay, giá thép có tới 5 lần tăng liên tiếp, tương tự giá các mặt hàng xăng dầu, xi măng, cát… cũng không ngừng tăng lên.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 toàn ngành đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021, tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%. Giá tăng nhưng sản lượng tiêu thụ nội địa mặt hàng này sụt giảm nghiêm trọng.

Gạch ốp lát cũng phải giảm sản lượng từ 30 - 50%

Tuy nhiên, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng leo thang không phải do cầu thị trường tăng mà do tác động của giá nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như: Xăng, dầu, than, giá cước vận tải... tăng cao và khan hiếm dẫn đến chi phí khai thác và sản xuất đều tăng, đặt gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo Vietnam Report, hai trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp phải đương đầu hiện nay là Biến động giá nguyên vật liệu và Tác động của suy thoái kinh tế đều ghi nhận mức tăng rõ rệt so với năm trước (+18,2% và +63,9%). Mức độ ảnh hưởng của Tác động suy thoái kinh tế được dự báo sẽ lan rộng hơn tới 85,7% số doanh nghiệp trong 12-18 tháng tới, làm suy giảm sức cầu VLXD và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chưa thể gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng biến động giá nguyên liệu đầu vào. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, dự báo giá VLXD năm 2023 sẽ tiếp tục tăng 3,2%, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Dự báo về triển vọng kinh doanh, đa số các doanh nghiệp đều giữ thái độ thận trọng. Theo khảo sát, 60% số doanh nghiệp ghi nhận tổng chi phí tăng lên so với năm trước, cao hơn so với tỉ lệ tăng lên của chi phí giai đoạn 2020 - 2021 (50%), tương đương tăng 10%.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực kéo theo sức cầu của vật liệu xây dựng toàn cầu yếu. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép hai tháng đầu năm 2023 đạt 92,2%, trong khi clinker và xi măng chỉ đạt 69,6%.

Các chuyên gia nhận định ngành bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm nay, kéo theo sự hồi phục chậm của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.

Triển vọng ngành vật liệu xây dựng năm 2023: Thận trọng tích cực

Đầu năm bão giá – cuối năm ảm đạm cũng là hai từ khóa thể hiện khó khăn lớn nhất của ngành vật liệu xây dựng. Mặc dù vậy đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ thái độ thận trọng khi dự báo về triển vọng kinh doanh trong năm nay, nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực cho ngành VLXD. Đánh giá về những cơ hội lớn nhất đóng góp vào sự tăng trưởng, phần lớn các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định rằng đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ đưa thị trường hồi phục và phát triển trở lại.

Năm 2023, Chính phủ dự kiến chi 793.000 tỷ đồng cho giải ngân đầu tư công, tương đương mức tăng 34% so với kế hoạch năm 2022. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nhằm đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế ngay từ đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng từ 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành vật liệu xây dựng.

Tín hiệu tích cực khác là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục được đổ về từ sự ổn định về chính trị, môi trường kinh doanh và sức phát triển lớn tại thị trường nội địa. Trong năm 2022, đây cũng là một nguồn lực quan trọng khi ước tính các dự án đầu tư nước ngoài FDI đã giải ngân được gần 22,4 tỷ USD.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai khả quan trong nửa sau của năm 2023 từ việc sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát. Đặc biệt, các gói tín dụng cho nhà ở xã hội hay việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý trên thị trường bất động sản của Chính phủ sẽ khơi thông những dự án bất động sản triển khai dang dở ở giai đoạn trước, giúp thúc đẩy tăng trưởng "hệ sinh thái" đi cùng như xây dựng và vật liệu xây dựng.

Nỗ lực thích nghi với điều kiện mới, các doanh nghiệp ngành VLXD cần nâng cao sức chống chịu và năng lực cạnh tranh để bứt tốc trong thời gian tới. Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp VLXD trong ngắn hạn tập trung vào 6 ưu tiên bao gồm: Đẩy mạnh đầu tư và phát triển ứng dụng công nghệ; Tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; Mở rộng hoạt động cho tất cả các phân khúc, địa bàn hoạt động; Tăng cường hợp tác đầu tư; Cắt giảm chi phí; Phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới. Trong đó, các chiến lược thúc đẩy số hóa vẫn được doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong cả giai đoạn ngắn và trung hạn.

Giá vật liệu xây dựng tại Hà Nội: Thép giảm, xi măng giữ nguyên
Lo ngại giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, giá nhà cũng sẽ leo thang
Giá sắt thép hôm nay 3/3: Thép và vật liệu xây dựng tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.